Năm 2018 có 3 sở, ngành giữ nguyên thứ hạng so với năm 2017 là Sở Khoa học & Công nghệ ((KH&CN), Sở Công Thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (lần lượt đứng ở vị trí dẫn đầu, thứ 2 và thứ 3). Ban Dân tộc tỉnh từ thứ hạng 11 vươn lên đứng thứ 4 (tăng 7 bậc so với năm 2017). Sở Lao động Thương binh và Xã hội từ vị trí cuối cùng năm 2017 vươn lên đứng thứ 11 (tăng 8 bậc so với năm 2017). Để giữ nguyên vị trí top đầu hay “bứt phá” vươn lên trong bảng xếp hạng không phải chuyện dễ dàng. Đơn cử như Sở KH&CN, từ vị trí thứ thứ 7 năm 2016, năm 2017 Sở này đã “lội ngược dòng” dẫn đầu 19 sở, ngành về chỉ số CCHC. Vậy làm thế nào để duy trì thứ hạng cao trong công tác CCHC?
“Mặc dù năm 2017, Sở KH&CN đứng top đầu khối các sở, ban, ngành trong công tác CCHC, song không vì thế mà chúng tôi tự thỏa mãn. Chúng tôi tiếp tục rà soát lại các chỉ tiêu để nhìn nhận rõ những lĩnh vực, tiêu chí nào đã đạt điểm cao để duy trì, những tiêu chí đạt thấp phải có giải pháp khắc phục triệt để. Vì vậy, nhiều chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực của Sở năm nay đạt cao như: Điểm số và chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đứng đầu 19 sở, ngành đạt 7,12/9 điểm; điểm số và chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC) dẫn đầu với 17,26/22 điểm… Sở đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy và giảm 2 đơn vị. Với kết quả này điểm số và chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 13,94/16 điểm…”. Đó là những minh chứng về sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác mà đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN thông tin với chúng tôi.
Một trong những cơ quan có bước nhảy vọt trong công tác CCHC là Ban Dân tộc tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh: Để khắc phục những tồn tại và phát huy những kết quả đạt được, ngay từ đầu năm 2018, Ban tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của kế hoạch hoạt động; chủ động rà soát, kiểm soát TTHC, CCHC của tỉnh, các kế hoạch của Ban về CCHC; cập nhật những TTHC có liên quan đến công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đề nghị công bố kịp thời theo quy định. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động như: Triệt để khai thác, nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử và văn bản có chữ ký số, sử dụng hộp thư điện tử; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP... Và kết quả Ban Dân tộc đã vươn lên đứng thứ 4 trong bảng chỉ số xếp hạng CCHC năm 2018 khối sở, ban, ngành. Đây là động lực để năm 2019 Ban Dân tộc tiếp tục duy trì, phấn đấu để đạt thứ hạng cao hơn trong công tác CCHC.
Đối với khối huyện, thành, thị, T.P Sông Công năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2017, dẫn đầu bảng CCHC các địa phương; tiếp đến là T.P Thái Nguyên tăng 1 bậc so với năm 2017, vươn lên xếp thứ 3 khối các địa phương. Đáng ghi nhận là huyện Đồng Hỷ đã có sự bứt phá trong công tác CCHC, tăng 3 bậc so với năm 2017. Theo đoàn của tỉnh đến kiểm tra công tác CCHC tại một số sở, ngành, địa phương chúng tôi nhận thấy để nâng cao chất lượng công tác CCHC vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Ở nơi nào người đứng đầu cấp sở, ngành, địa phương quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo công tác CCHC thì hiệu quả công tác này rất tốt. Đơn cử như ở T.P Sông Công đã bố trí, sắp xếp phòng tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo diện tích, dễ nhận biết, dễ tìm. Các TTHC được niêm yết công khai và người dân có thể tự tra cứu trên bảng điện tử. Bộ phận này bố trí công chức trực tiếp nhận và trả kết quả, cập nhật số ghi chép, phiếu hẹn, trả kết quả đầy đủ, kịp thời .Việc thực hiện cơ chế này đã giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, không phải chờ đợi, được nhân dân đánh giá cao.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lê Văn Khôi, Chủ tịch UBND T.P Sông Công khẳng định: Để nâng cao các chỉ số xếp hạng CCHC, chúng tôi đã lượng hóa các tiêu chí thi đua để đánh giá xếp hạng các phòng, ban, xã, phường. Kết quả công tác CCHC của từng đơn vị, địa phương sẽ được tính vào kết quả thi đua của người đứng đầu các cấp. Đơn vị nào thực hiện chưa tốt, chúng tôi đều có báo cáo thường trực cấp ủy để gợi ý kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp để năm sau thực hiện tốt hơn. Đặc biệt, thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, đơn thư hoặc điện thoại của công dân phản ánh đến lãnh đạo thành phố, chúng tôi cho tổ công tác của UBND T.P vào cuộc xác minh và xử lý nghiêm những trường hợp gây khó dễ hoặc có thái độ không đúng chuẩn mực đối với công dân khi đến giải quyết các TTHC. Qua đó, nâng cao đạo đức công vụ của những người thực thi công vụ, đặc biệt là ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả…
Mặc dù công tác CCHC của tỉnh có những chuyển biến rất tích cực, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, việc trang bị các thiết bị ứng dụng phần mềm giải quyết hồ sơ còn chậm, còn các đơn vị cấp tỉnh như: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra tỉnh… chưa áp dụng giải quyết TTHC qua phần mềm một cửa điện tử đã ảnh hưởng đến chỉ số CCHC năm 2018 của tỉnh. Hầu hết các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC; hướng dẫn, kiểm soát giải quyết TTHC; thực hiện xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC bị chậm, sai sót… Đó cũng là những vấn đề mà các sở, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo để khắc phục để tiếp tục nâng cao kết quả CCHC của tỉnh trong thời gian tới.