Cập nhật: Thứ hai 08/04/2019 - 09:14
Giải phóng mặt bằng hiện vẫn là công đoạn gặp nhiều khó khăn nhất của DN trong triển khai thực hiện dự án trước khi chính thức gia nhập thị trường.
Giải phóng mặt bằng hiện vẫn là công đoạn gặp nhiều khó khăn nhất của DN trong triển khai thực hiện dự án trước khi chính thức gia nhập thị trường.

Theo báo cáo thường niên về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 mới được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, tỉnh Thái Nguyên đạt tổng điểm là 64,24. Với kết quả này, tỉnh ta xếp thứ 18 trong toàn quốc, tụt 3 bậc và thấp hơn 0,21 điểm so với năm 2017. Vậy, những vấn đề gì được đặt ra từ kết quả này và làm thế nào để cải thiện vị trí xếp hạng của tỉnh trong những năm tới?

Trong 10 chỉ số thành phần để chấm điểm về chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên năm 2018 có 6 chỉ số bị giảm điểm, gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN); đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. 4 chỉ số còn lại tăng điểm, gồm: Chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh. Tăng điểm mạnh nhất năm 2018 là chỉ số cạnh tranh bình đẳng (tăng từ 5,16 điểm năm 2017 lên 5,8 điểm năm 2018), còn chỉ số giảm điểm nhiều nhất là gia nhập thị trường (giảm từ 7,27 điểm xuống 6,91 điểm).

Từ thực tế cho thấy, tuy các chỉ số giảm điểm không nhiều, chỉ từ 0,01-0,36 điểm (tổng giảm là 0,85 điểm), còn các chỉ số tăng điểm thì lại khá cao từ 0,21-0,64 điểm (tổng tăng là 1,35 điểm) nhưng do có tới 3 chỉ số giảm điểm có trọng số chiếm 20% tổng điểm, trong khi các chỉ số giảm điểm lại đều có trọng số thấp (3 chỉ số chiếm 5% tổng điểm, 1 chỉ số chiếm 10%) nên tính chung tổng điểm sau khi nhân với trọng số thì tổng điểm của tỉnh giảm 0,21 điểm so với năm 2017. Đáng chú ý, gia nhập thị trường là liên tục bị giảm điểm 3 năm gần đây, từ 8,84 điểm năm 2015, xuống còn 8,62, rồi 7,27 và đến năm 2018 là 6,91 điểm.

Không vui là tâm trạng và cũng là chia sẻ của ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên khi nói về kết quả đánh giá chỉ số PCI của tỉnh năm 2018. Ông Quang cho rằng, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2018, tỉnh ta đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi để DN hoạt động. Đơn cử như việc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (có sự tham gia của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương) tiếp xúc cử tri và đối thoại với DN hồi cuối tháng 11-2018 để lắng nghe, giải quyết các ý kiến, thắc mắc của DN.

Theo đó đã có 95 đề nghị của DN được gửi tới trong dịp này. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo UBND tỉnh trả lời, giải quyết ngay sau Hội nghị.  Theo đó, nhiều vấn đề của DN đã được quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những nội dung chưa được trả lời, giải quyết, hoặc có nhưng chưa thỏa đáng, còn chung chung, hình thức. Cũng có cả nội dung đã trả lời khá rõ nhưng DN vẫn tiếp tục phải chờ đợi.

Cũng chung quan điểm này, một giám đốc ngân hàng của tỉnh cho biết: Một trong những vấn đề được ngành ngân hàng kiến nghị với tỉnh nhiều lần đó là tạo thuận lợi cho các DN được cấp quyền sở hữu tài sản trên đất đối với những trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp hạng nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng trong trường hợp phải xin phép. Đây cũng là vấn đề được Hội DN T.P Thái Nguyên đề cập tại Hội nghị đối thoại DN và đã được tỉnh trả lời là “Các DN có nhu cầu cần xác định tài sản trên đất khi không đủ các điều kiện quy định thì đến Sở Xây dựng để được hướng dẫn cụ thể”.

Vậy nhưng trên thực tế, số lượng DN được thực hiện thủ tục này còn chưa nhiều; có DN nộp hồ sơ tới 3-4 tháng mà vẫn chưa được cấp. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần thực phẩm Cầu Mây. Hồ sơ đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất đã được Công ty hoàn tất và nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường từ ngày 10/12/2018 và thời gian hẹn trả kết quả vào ngày 27/12/2018, nhưng đến nay, DN này vẫn chưa nhận được kết quả, khiến DN gặp khó khăn trong tiếp cận thêm nguồn vốn ngân hàng…

Hay như đối với trường hợp của Công ty cổ phần Vương Huy được UBND tỉnh cho thuê đất tại phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên để sử dụng vào mục đích kinh doanh, theo Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 18/1/2016. Tại Hội nghị Đối thoại với DN, Công ty hỏi về việc có được hay không việc miễn, giảm tiền thuê đất trong 2 năm đầu? Nếu được thì cơ quan nào thực thi? Theo nội dung Công văn số 3695/STNMT-QLĐĐ thì câu trả lời là Công ty thuộc đối tượng được xem xét, miễn tiền thuê đất và thẩm quyền xác định và quyết định thuộc Cục trưởng Cục Thuế tỉnh. Vì thế, đã hướng dẫn Công ty này đến Cục Thuế để thực hiện miễn giảm tiền thuê đất. Vậy nhưng, đến giờ, Công ty vẫn chưa được miễn, giảm. Nguyên nhân do phải chờ công văn hướng dẫn, trả lời của Bộ Tài chính.

Một trường hợp khác là của một công ty trong lĩnh vực in ấn. Trước đó, lý do mà công ty này chưa được ngành chủ quản cấp giấy phép hoạt động là thiếu 1 giấy phép con do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng sau đó, quy định này đã được tạm dừng áp dụng. Mặc dù vậy, khi Công ty đến làm lại thủ tục xin cấp phép thì lý do khác lại được đưa ra… Sự chậm trễ khiến Công ty này không thể mở rộng kinh doanh cũng như bị lỡ nhiều hợp đồng từ phía các đối tác.

Vẫn còn nhiều trường hợp khác mặc dù đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo trả lời và quan tâm giải quyết nhưng đến nay DN vẫn phải chờ. Nhìn nhận ở góc độ vừa là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên, vừa là người đứng đầu của 1 DN, ông Phạm Văn Quang thẳng thắn chia sẻ: Khi điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; DN được hội nhập và hợp tác nhiều hơn; trình độ, hiểu biết cũng nâng cao hơn; cùng với đó là sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các tỉnh… thì việc DN đòi hỏi cấp ủy, chính quyền phải quan tâm, đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu chính đáng của DN cũng là điều dễ hiểu.

Vì thế, nếu chính quyền không kịp thời thay đổi sẽ dễ dẫn đến “tụt hậu”. Và nếu cũng chỉ có sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cùng một số sở, ngành thôi cũng chưa đủ, mà cần phải có sự vào cuộc trách nhiệm, đúng tinh thần chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới huyện, xã. Bởi thế, công tác kiểm tra, giám sát cần phải được tỉnh quan tâm, chú trọng hơn nữa. Và việc cộng đồng DN chấm 6 chỉ số thành phần trong PCI năm 2018 giảm điểm hơn năm trước cũng là điều dễ hiểu…

Thu Hằng