Sinh năm 1977 tại vùng quê Tiên Hội, từ nhỏ anh Nạp đã hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân, quanh năm dầm dãi nắng sương mà cuộc sống không thể khấm khá được. Phải nói thêm, Tiên Hội là mảnh đất thuần nông, có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất các loại cây trồng, tuy nhiên vài năm trước, bà con ở đây vẫn giữ thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, do đó giá trị sản xuất không cao. Vì thế, anh luôn có suy nghĩ phải làm gì đó để thay đổi đời sống trên chính mảnh đất quê mình. Lớn lên, quyết theo đuổi khát vọng thuở nhỏ, anh đăng ký thi vào Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, để tích lũy thêm kiến thức thực tế, anh đã đi làm ở một số nơi. Sau khi đã tự tin với kiến thức về nông nghiệp học được từ nhà trường cũng như thực tế, anh trở về quê hương, vận động bà con thành lập HTX rau an toàn Trung Na nhằm xây dựng một vùng sản xuất rau an toàn mang tính hàng hóa.
Năm 2016, HTX sản xuất rau an toàn Trung Na chính thức ra đời với 11 thành viên góp vốn. Trên diện tích đất rộng hơn 4ha, các thành viên đã đầu tư làm nhà kính, xây dựng hệ thống tưới, làm giàn… để trồng các loại rau như: Cà chua, bắp cải, dưa chuột… Quá trình sản xuất được áp dụng quy trình VietGAP. Ban đầu, HTX cũng gặp phải khó khăn do người dân vẫn chưa quen cách làm mới, nhưng trước sự kiên trì của anh, bà con đã dần dần thực hiện theo một cách nghiêm túc. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, HTX đã ký được hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Sau 1 năm hoạt động, năm 2017, HTX không may bị sập nhà kính do lốc tố tàn phá, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Sự việc này đã làm gián đoạn quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp theo hợp đồng, do vậy, HTX lại lâm vào khó khăn.
Sau biến cố đó, HTX vừa sửa chữa lại nhà kính, vừa từng bước khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, do sản lượng không cao nên HTX gặp khó khăn về xuất bán sản phẩm, bán ra thị trường thì không được giá và không ổn định. Sau những trăn trở tìm hướng đi cho HTX, anh Nạp đã đi tham quan một số cơ sở, nhận thấy nhiều nơi sản xuất tinh bột nghệ rất hiệu quả, cộng với đầu ra của sản phẩm hiện nay khá tốt, nên anh về trồng thử giống nghệ đen. Đây là loại cây dược liệu được sử dụng nhiều làm thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Ngoài trồng tại xã, anh còn thuê thêm đất tại các xã khác để trồng với tổng diện tích 20ha. Trong đó: Khôi Kỳ: 13ha, Mỹ Yên: 4ha và Tiên Hội: 3ha.
Qua vụ đầu tiên, anh nhận thấy cây nghệ đen rất phù hợp trồng ở địa phương, kỹ thuật trồng khá đơn giản. Ưu điểm nổi trội của loại cây này là có đặc tính miễn dịch hoàn toàn đối với mọi loại sâu bệnh, nên suốt quá trình sinh trưởng, không phải sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Ngay vụ đầu tiên, năng suất đạt trên 2 tấn/sào, anh thu về trên 1.100 tấn nghệ tươi. Qua gửi mẫu đi đánh giá chất lượng thì thấy nghệ trồng ở đây có hàm lượng tinh bột cao hơn một số địa phương lân cận. Số nghệ củ thu được từ vụ trước một phần dành làm giống cho vụ sau, còn lại anh bán cho Nhà máy chế biến tinh bột nghệ. Năm 2019, anh tiếp tục triển khai trồng 30ha. Để bao tiêu toàn bộ đầu ra cho bà con, anh dự kiến sẽ đầu tư dây chuyền nghiền lọc tinh bột chế biến tinh bột nghệ để mở xưởng sản xuất tinh bột nghệ ngay tại địa phương. Hiện nay, anh đang hoàn tất các thủ tục để mở xưởng tại xóm Trung Na. Sau khi có xưởng sản xuất, anh sẽ hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời thu mua nghệ củ với giá dự kiến trên 5.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi hecta đất trồng nghệ bà con có thể thu về 275 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần cấy lúa và nhiều loại cây màu khác. Hiện nay, bà con đã cơ bản trồng xong diện tích nghệ như dự kiến. Thành công bước đầu với cây nghệ đen cho anh thêm nhiệt huyết tiếp tục tìm tòi, mạnh dạn đưa những cây trồng mới vào sản xuất tại địa phương. Năm nay, ngoài trồng nghệ, anh còn triển khai trồng giống ngô ép sữa và khoai lệ phố với diện tích 3ha. Đến nay, cây đang sinh trưởng phát triển tốt.
Nói về niềm tin của anh với nông nghiệp, anh chia sẻ: Làm nông nghiệp có nhiều thách thức, rủi ro, tuy nhiên cũng mở ra nhiều cơ hội nếu như chúng ta có thể mạnh dạn thử sức. Điều quan trọng nhất là cần phải có một tư duy không theo lối mòn mà cần sự năng động, sáng tạo.
Chính cách nghĩ của anh và những việc anh đã làm đã lan tỏa và truyền cảm hứng cho người dân địa phương, có thể tiếp cận những cái mới, khoa học kỹ thuật tiên tiến và tin tưởng làm giàu từ nông nghiệp là việc hoàn toàn có thể.