Đang trò chuyện thì bà Lưu Thị Vân, vợ ông Phụng mang một túi ổi từ ngoài vườn trở vào. Bà đon đả bổ quả ổi thành từng miếng, mời mọi người cùng thưởng thức. Hương ổi, một đặc trưng chân quê, dễ mến, dẫn dụ câu chuyện về một thời của chủ nhân ngôi nhà. Ông Phụng, người con của vùng đất Nam Hà, 18 tuổi nhập ngũ, làm bộ đội lái xe, rồi được điều động về Trường Lái xe (Quân khu I) làm giáo viên. Một lần cùng đơn vị đi làm công tác dân vận ở xã Linh Sơn, ông gặp bà Vân, cảm mến, rồi bén duyên nên đôi vợ chồng. Ông kể: Năm 1985, chúng tôi lập gia đình, được các cụ bên ngoại cho gần 5.000m2 đất. Vậy là hằng ngày, 8 giờ “vàng ngọc” tôi làm việc trong đơn vị. Hết giờ, về nhà là mình trần, quần cộc cuốc đất cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, nhưng cuộc sống gia đình không hết nghèo.
Là thầy dạy lái xe, nên khi nghỉ chế độ (năm 1998), thấy bà con trong vùng có nhu cầu vận chuyển các loại vật liệu xây dựng, phân bón, sản phẩm nông nghiệp khi thu hoạch, ông quyết định mua xe công nông làm dịch vụ. Thấy nhiều hộ dân trong vùng khi xây nhà phải đi mua gạch ở xa, ông quyết định mở cơ sở sản xuất gạch xilicats, thuê 8 nhân công với mức lương tương đương 1,5 chỉ vàng/tháng. Được ít năm, thị trường vật liệu bão hòa, trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất gạch, ông không cạnh tranh, nhường thị phần cho cơ sở sản xuất mới. Ông “lui binh” về tính kế sâu rễ, bền gốc bằng cách đầu tư cho chăn nuôi lợn, gà và chim trĩ. Hằng ngày, ông tranh thủ lái xe công nông ra bờ sông, tự xúc đất phù sa về san lấp, tôn vườn. Ông nói chậm rãi: Để có khu vườn bằng phẳng như bây giờ, tôi đã chuyển hơn 1.000m3 đất phù sa trong 2 năm. Lúc đó, nhà còn hơn 2 vạn gạch, tôi mua thêm cát, xi măng thuê thợ xây hơn 300m dài tường bao quanh vườn nhà.
Vẫn là cách “lấy ngắn nuôi dài”, ông sử dụng đất vào việc trồng ngô, sắn lấy thức ăn chăn nuôi lợn, gà, chim trĩ, rồi trồng mía nấu mật. Khi thấy trên thị trường nhu cầu tiêu dùng quả các loại ngày một tăng, ông dành đất trồng một số loại cây lấy quả như: Mơ lai, hồng không hạt, vải và na. Ông kể: Hầu hết các loại cây ăn quả tôi trồng đều được mùa. Kể cả cây mơ lai, tôi không bán quả, mà bán cây cho cán bộ khuyến nông chiết cành bán cho nông dân theo dự án. Đến năm 2006, tôi tìm mua được giống ổi đào về trồng. Chỉ 1 năm sau đó, cây ổi đậu quả, tư thương vào tận nhà mua với giá 500 đồng/quả. Đến năm 2009, tôi phát triển vườn ổi lên gần 3.000 gốc, thu hoạch được gần 20 tấn quả, thu được gần 200 triệu đồng.
Để cây ổi phát triển thành vùng hàng hoá, ông vận động bà con trong vùng phá bỏ cây vườn tạp, dành đất trồng ổi đào. Nhiều hộ kinh tế khó khăn được ông giúp giống cây, tiền mua phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái. Đặc biệt là kinh nghiệm khắc phục bệnh ghẻ và giòi đục quả; cách bọc quả ổi để tránh giòi; cách tỉa quả, đốn cành; làm giàn đỡ cho ổi…
Cùng trồng ổi, ông nuôi lợn rừng, gà ta, chim trĩ. Lợn rừng duy trì tổng đàn khoảng 50 con; gà ta khoảng hơn 100 con; chim trĩ từ 100 đến 150 con… Ông khoe: Năm 2014, tham gia Diễn đàn nông dân sáng tạo tỉnh Thái Nguyên, Đề tài khoa học về “Trồng ổi tập trung trên đất Linh Sơn, tạo vùng cung cấp ổi sạch chất lượng ra thị trường” và Đề tài: “Nuôi lợn rừng quản lý theo câu lạc bộ” của tôi được Trung tâm hợp tác quốc tế (Đại học Thái Nguyên), Hội Nông dân tỉnh và Tổ chức OXFAM cấp Giấy chứng nhận đạt Giải Phong trào.
Để đa dạng sản phẩm cây ăn quả, năm 2019 ông Phụng đầu tư vốn trồng ổi Đài Loan, bưởi da xanh, táo đào vàng thay thế cho cây ổi đào. Ông chia sẻ kinh nghiệm: Vườn cây được thay thế dần, cách làm này mình vừa có thu hoạch đều đặn, lại có cây thế hệ mới. Dự kiến năm 2019, mô hình kinh tế của gia đình tôi tiếp tục đạt thu nhập 300 triệu đồng.