Cập nhật: Thứ tư 15/05/2019 - 10:18
Mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng keo, cây ăn quả của gia đình anh Phan Văn Huy ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt cho thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.
Mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng keo, cây ăn quả của gia đình anh Phan Văn Huy ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt cho thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.

Nhận thức rõ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Hội Nông dân huyện Phú Bình luôn chú trọng, đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình thông tin: Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng nên thời gian qua, Huyện Hội đã chú trọng nâng cao chất lượng phong trào cả bề rộng lẫn chiều sâu. Thông qua phong trào, các cấp hội trong huyện đã tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những cây, con giống có giá trị kinh tế cao và phù hợp với đặc thù của từng địa phương vào nuôi, trồng… Qua đó đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh để liên kết thực hiện như: Trồng dưa chuột xuất khẩu, trồng ớt tại xã Thanh Ninh, Tân Đức, Lương Phú, trồng hoa, cây giống ăn quả tại xã Bảo Lý, Nga My; chăn nuôi gà thả đồi, chăn nuôi lợn tại xã Tân Kim, Tân Khánh, Tân Thành…

Để nông dân có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm thực tế, Hội Nông dân huyện phối hợp với các đơn vị như Trạm Khuyến nông huyện, các công ty giống cây trồng… có uy tín tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức trồng, chăm sóc, phòng ngừa bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho hội viên nông dân ở cơ sở. Tính từ năm 2012 đến nay, Hội đã đứng ra tín chấp mua vật tư, cung ứng 4.000 tấn phân bón và 169 tấn giống cây các loại cho hội viên nông dân trên địa bàn; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 123.000 lượt người; xây dựng 4 dự án cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp với số vốn 1,5 tỷ đồng cho 76 hộ dân vay mua máy móc nông nghiệp.

Ngoài ra, để giúp người nông dân có thêm vốn đầu tư sản xuất, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngân hàng: Chính sách xã hội và Nông nghiệp - PTNT để nhận ủy thác, thực hiện cho vay, qua đó đã có hàng nghìn hội viên vay vốn, tổng dư nợ đến nay đạt trên 428 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội cũng khuyến khích các địa phương thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 22 câu lạc bộ, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, 46 mô hình dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế... để giúp nông dân định hướng sản xuất.

Anh Phan Văn Huy, ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt, chia sẻ: Tham gia Hội, tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi xây chuồng trại nuôi gà và trồng keo. Sau nhiều năm, đến nay gia đình tôi chăn nuôi 100 lợn thịt và trên 12.000 con gà/năm, trồng trên 1.000 gốc keo và 500 gốc cây ăn quả. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi trên 500 triệu đồng. Được biết, qua các năm, số hộ nông dân trên địa bàn đăng ký tham gia và số lượt hộ được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng, năm 2013 có 4.000 lượt hộ thì năm 2018 có gần 8.300 lượt hộ.

Ông Nguyễn Văn Học, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Hân, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Tân Phú, xã Tân Hòa, cho hay: Thực hiện kế hoạch công tác Hội, Chi hội Nông dân xóm đã định hướng cho hội viên nông dân phát huy thế mạnh của địa phương, tích cực đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, trong đó có mô hình nuôi hươu lấy nhung. Trung bình, sau 3 năm nuôi, 1 con hươu cho thu hoạch nhung 1 lần/năm, trừ chi phí, trung bình 1 con hươu cho thu lãi 8-10 triệu đồng/năm.

Để nhân rộng mô hình chăn nuôi, Chi hội Nông dân xóm Hân đã giúp người dân tiếp cận với vốn vay ưu đãi của các ngân hàng, vận động người dân tham gia Hợp tác xã, cùng liên kết, cung cấp con giống chất lượng, trao đổi kiến thức chăm sóc hươu giữa các hộ dân, hội viên… Nhờ đó, từ chỗ chỉ có 2 hộ nuôi 3 con hươu vào năm 2013 thì nay đã tăng lên 10 hộ với trên 30 con hươu; 3 hộ hội viên nhờ nuôi hươu mà thoát nghèo.

Kinh tế phát triển, các hội viên nông dân đã tích cực tham gia các phong trào, đóng góp xây dựng quê hương. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, từ năm 2012 đến nay, các hội viên đã hiến 96.000m2 đất, đóng góp kinh phí xây sửa 86km đường giao thông, 56km kênh mương và 123 nhà văn hóa, tham gia mô hình nông dân tự quản trên 110km đường giao thông, xây lắp 1.000 bể, hố đựng bao bì thực vật… Tiếp tục phát huy những kết quả trên, thời gian tới Hội Nông dân huyện Phú Bình sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ về vốn, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật... để nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Ngọc Ánh