Cập nhật: Chủ nhật 19/05/2019 - 18:50
Lồng bè nuôi cá của Công ty Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật trong hồ Gò Miếu.
Lồng bè nuôi cá của Công ty Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật trong hồ Gò Miếu.

Nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nước tại hồ Gò Miếu thuộc xã Ký phú, huyện Đại Từ, sáng 19-5, lãnh đạo UBND huyện Đại Từ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản tỉnh và UBND xã Ký Phú đã đi khảo sát thực tế tại hồ.

Hồ Gò Miếu hiện do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý và khai thác. Tại đây có 30 lồng nuôi cá của Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật. Ông Lưu Văn Hạnh, Giám đốc Công ty cho biết, trong 30 lồng này hiện chỉ có 15 lồng đang nuôi cá, trong đó có 1 lồng nuôi cá chiên (trữ lượng khoảng hơn 2 tạ), còn lại là nuôi cá lăng, diêu hồng và cá rô phi. Từ năm 2017, với lồng nuôi cá chiên, ông Hạnh cho ăn bằng cá tươi (tép dầu và cá tạp), các lồng cá còn lại cho ăn bằng cám. Thời gian gần đây, ngoài việc nước trong hồ biến màu, còn có nhiều váng nổi lên, mùi hôi rất khó chịu.

Các vón cục nổi trên mặt hồ Gò Miếu - Ảnh chụp sáng ngày 19/5/2019.

Nắm bắt được tình hình, ngày 16-5, lãnh đạo huyện đã yêu cầu phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Ký phú tiến hành kiểm tra, xác minh tình hình ô nhiễm và hoạt động nuôi cá lồng trên hồ, có biên bản ghi nhận thực tế, báo cáo với UBND huyện. Tại  thời điểm kiểm tra vào sáng 19-5 cho thấy, phần đầu hồ - nơi đón nhận nguồn nước chảy xuống từ dãy núi Tam Đảo nước vẫn trong, tuy nhiên đa phần còn lại của hồ nước đều có màu vàng xanh, phần ven hồ có nhiều cục vón màu trắng đục nổi trên mặt nước. Được biết trước ngày 19-5, thực hiện yêu cầu của các cơ quan chuyên môn, chủ các lồng cá tại đây đã thả trên 3 vạn con giống cá mè và thực hiện việc vớt các váng nổi trên mặt hồ nên tình hình đã đỡ hơn, tuy nhiên nước trong hồ vẫn còn dấu hiệu của sự ô nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản tỉnh cho biết, bước đầu xác định nguyên nhân gây ô nhiễm là do ảnh hưởng của hoạt động nuôi cá lồng bè trong hồ. Bên cạnh đó, do các sinh vật thủy sinh trong lòng hồ không còn nhiều (bị khai thác quá mức, nhất là khai thác bằng kích điện), nên đã làm mất cân bằng sinh thái trong hồ, từ đó đã xuất hiện các hiện tượng trên.

Mảng váng ở một góc hồ trước khi chủ lồng bè nuôi cá thực hiện việc thu vét - Ảnh chụp ngày 16/5/2019.

Ngay trong chiều 19-5, UBND huyện Đại Từ đã ban hành Công văn số 652/UBND-TNMT gửi Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đề nghị Công ty kiểm tra hoạt động chăn nuôi thả cá và nuôi cá lồng bè trong phạm vi lòng hồ; chỉ đạo thực hiện kiểm tra, lấy mẫu quan trắc váng mầu nổi trên mặt hồ và nguồn nước trong hồ, xác định rõ nguyên nhân, lý do mặt nước hồ bị nổi váng, đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên. Kết quả giải quyết gửi UBND huyện Đại Từ, UBND xã Ký Phú để thông tin và trả lời nhân dân.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ khẳng định: Để xảy ra tình trạng ô nhiễm này, trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị quản lý và khai thác hồ) và Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật. Địa phương rất hoan nghênh các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có việc nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên phải đáp ứng đủ các yêu cầu về đảm bảo môi trường, không gây ô nhiễm. Nếu hoạt động nuôi cá lồng bè trên hồ Gò Miếu gây ô nhiễm nước hồ, ảnh hưởng đến môi trường sống và người dân, huyện đề nghị đơn vị quản lý và khai thác hồ cho dừng hoạt động nuôi cá lồng bè tại đây.

Thế Hà