Cập nhật: Thứ hai 20/05/2019 - 09:53
Đồng chí Bí thư Chi bộ xóm Hin, xã Yên Đổ tuyên truyền, nhắc nhở người dân làm rào chắn quanh ao.
Đồng chí Bí thư Chi bộ xóm Hin, xã Yên Đổ tuyên truyền, nhắc nhở người dân làm rào chắn quanh ao.

Trong thời gian qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong đó có huyện Phú Lương đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ em bị tử vong do đuối nước vô cùng thương tâm. Do đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, ngành, trường học và gia đình trong việc tuyên truyền, triển khai để phòng tránh tai nạn đuối nước và quản lý con trẻ, nhất là trong mùa Hè.

Trong 3 năm gần đây, trên địa bàn huyện Phú Lương đã có 10 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Riêng năm 2018 đã có 5 trẻ bị thiệt mạng. Gần đây nhất, là trường hợp của em Trần Bảo Khanh (sinh năm 2009), ở xóm Đồng Sang, xã Cổ Lũng. Theo đó, vào trưa ngày 29-3, Khanh sang chơi tại nhà bà ngoại ở xóm Bãi Nha, xã Cổ Lũng. Sau đó, em đã cùng một vài trẻ em khác trong xóm rủ nhau đi bơi tại hồ nước khai thác quặng thuộc xã Cù Vân (Đại Từ). Tại đây, do không biết bơi, mực nước hồ lại sâu nên Trần Bảo Khanh đã bị chết đuối. 

Ông Trịnh Kim Thuỷ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho hay: Hầu hết vụ việc liên quan đến tai nạn đuối nước của trẻ em có nguyên nhân chủ yếu là do các em tự ý đi bơi tại các ao, hồ, sông suối mà không có sự quản lý của gia đình. Hằng năm, mặc dù huyện đã tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh triển khai, tuyên truyền công tác phòng chống đuối nước tới các địa phương, trường học và người dân nhưng trách nhiệm của một số địa phương, một bộ phận người dân trong việc thực hiện phòng chống đuối nước trẻ em còn chưa cao...

Đơn cử như tại xã Yên Đổ, mặc dù, hằng năm xã vẫn xây dựng kế hoạch phối hợp với các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền lồng ghép nội dung phòng chống đuối nước tại các cuộc họp xã, xóm; tổ chức một số hoạt động vui chơi thể thao trong dịp hè nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em, hạn chế các tai nạn đuối nước trên địa bàn... nhưng công tác rà soát, cảnh báo, phòng ngừa tại địa phương thì lại chưa được chú trọng. Qua khảo sát thực tế, trong tổng số 9 hồ chứa và nhiều ao hồ nhỏ trên địa bàn thì chỉ có một số hồ có đặt biển cảnh báo nhưng cũng đã bị hư hỏng, đa số các ao hồ nhỏ tại gia đình đều không có rào chắn.

Ông Lại Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ xóm Hin, xã Yên Đổ cho biết: Xóm có 137 hộ dân trong đó có tới 20% gia đình có ao ngay sát nhà. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có vài hộ dân làm rào chắn hoặc trồng cây rào quanh khu vực ao.  Mặc dù chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân cần quan tâm quản lý con em chặt chẽ để không tự ý đi bơi tại ao hồ; đặc biệt các gia đình có ao phải làm lưới hoặc trồng cây rào chắn nhưng đa số người dân vẫn chủ quan, thờ ơ. Vì vậy, năm 2018, trên địa bàn xóm đã xảy ra một vụ tai nạn đuối nước trẻ em thương tâm do trượt chân ngã xuống ao của nhà.

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước, hằng năm, UBND huyện Phú Lương đã có kế hoạch chỉ đạo các ngành liên quan và 15 xã, thị trấn đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền tại các trường học. Nhận định việc nâng cao nhận thức của con trẻ và phụ huynh học sinh về vấn đề này đóng vai trò quan trọng, ngay từ đầu năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã xây dựng văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thường xuyên giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng.

Bên cạnh đó, Phòng còn thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện uỷ tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung phòng chống đuối nước với xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường, nâng cao đạo đức nhà giáo…; phối hợp với Hội đồng Đội huyện tổ chức các hội thi Giai điệu tuổi hồng và tuyên truyền măng non; phối hợp với Trung tâm Văn hoá - thể thao và Truyền thông tổ chức các lớp dạy bơi dịp hè hoặc sản xuất tin bài tuyên truyền thông qua các cụm loa truyền thanh…

Cô Vũ Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vô Tranh cho biết: Vào thời gian sinh hoạt lớp hoặc cuối buổi học, Nhà trường luôn yêu cầu giáo viên nhắc nhở học sinh không được tự ý tụ tập, đùa nghịch, tắm ở ao hồ, sông, suối. Ngoài ra, Nhà trường còn thường xuyên thông báo tới các bậc phụ huynh để nâng cao công tác quản lý con em tại gia đình tại cuộc họp phụ huynh và tin nhắn điện thoại. Tuy nhiên, trong thực hiện công tác phòng, chống đuối nước, nhà trường vẫn chưa tổ chức được các lớp hướng dẫn kỹ năng bơi lội cho học sinh do khó khăn về kinh phí. Do đó, trong thời gian tới, nhà trường mong muốn môn dạy bơi sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy.

Bên cạnh việc quyết liệt triển khai công tác giáo dục, tuyên truyền trong nhà trường tới học sinh và phụ huynh, ông Trịnh Kim Thuỷ cho biết thêm: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo huyện đẩy mạnh các biện pháp nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo chủ chốt cấp xã trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, chú trọng hơn nữa việc rèn luyện kỹ năng bơi lội cho trẻ em… Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước.

Phan Trang