Hội CCB tỉnh hiện có 309 cơ sở hội, 3.231 chi hội, trong đó có 2.947 chi hội nông thôn, xóm, tổ dân phố; 284 chi hội khối 487 với tổng số hơn 71.700 hội viên (HV). Kết quả phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi, trong 5 năm gần đây đã có gần 3.000 gia đình CCB thoát nghèo, đặc biệt toàn tỉnh có 25 xã, phường, thị trấn không có gia đình CCB nghèo.
CCB Ma Phúc Ngay, xóm Pài Trận, xã Thanh Định (Định Hoá) tự hào: Gia đình tôi mới được xóa tên trong danh sách hộ nghèo của địa phương từ 5 năm gần đây. Nhưng để không còn có tên trong danh sách này, gia đình tôi được Hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội vay được 20 triệu đồng, Chi hội cho vay tiền chân quỹ 5 triệu đồng để trồng cỏ nuôi dê. Nhờ sử dụng tiền vốn đúng mục đích, tôi đã có tiền xây nhà, mua thêm được hơn 2.000m2 đất để cấy lúa và trồng chè.
Chuyện thoát nghèo, nhiều người dân ở xã Thanh Định tấm tắc nhắc đến CCB Nguyễn Trung Thành, xóm Khẩu Cuộng. Sau 20 năm rời quân ngũ, ông đã tạo nên một sản nghiệp lớn bằng chính sức lao động của mình. Ông kể: Bố mẹ nghèo nên không có của hồi môn. Tôi dắt vợ con vào rìa rừng khai phá đất trồng ngô, sắn lấy lương thực, rồi chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Tiền tích lũy tôi sử dụng mua thêm đất cánh tác. Đến nay tôi là chủ sở hữu của gần 30 ha đất các loại, trong đó có 21 ha đất trồng rừng, còn lại là đất cấy lúa, trồng chè, ao thả cá và đất trồng cỏ chăn thả gia súc. Từ 5 năm gần đây, gia đình tôi đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng Ban Kinh tế của Hội đúc kết: Những CCB làm kinh tế giỏi có điểm giống nhau là chịu khó lao động, sống cần kiệm, biết học hỏi kinh nghiệm để tự vươn lên bằng chính nghị lực của mình… Qua câu chuyện ông kể chúng tôi còn được biết: Hầu hết các CCB có tên trong danh sách hộ làm kinh tế giỏi của tỉnh đều có điểm xuất phát là hộ kinh tế khó khăn. Ví như CCB Nghiêm Văn Chính, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông (Đại Từ). Nếu chỉ nhìn vườn bưởi diễn, bưởi da xanh và vườn cây cảnh rộng 10.000m2, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm đã trừ chi phí, sẽ không ai biết trước đây gia đình ông rất khó khăn về kinh tế. Ông chia sẻ: Gia đình tôi từng phải ăn khoai, sắn độn thay gạo. Từng nhiều lần phải mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đầu tư có hiệu quả, từ 10 năm gần đây, không chỉ trả xong nợ vay ngân hàng, gia đình tôi còn có tiền gửi tiết kiệm, đồng thời giúp một số hộ nghèo trong vùng vốn vay không lấy lãi để phát triển sản xuất.
Cùng ở huyện Đại Từ, CCB Lê Tự Đức, xóm Bắc Hà 2, xã Mỹ Yên cũng từng “bại sản” vì thiên tai. Nhưng chỉ ít năm sau đó ông đã có tên trong danh sách hộ giàu của xã. Ông kể: Từ hơn 10 năm trước đây, một trận lũ đã quét sạch nhà cửa, tài sản, tôi phải làm mới lại từ đầu bằng cách đi phụ hồ, hoặc vào các xóm mua chè mang đi bán giao cho các đại lý. Được bao nhiêu tiền lãi tôi đều dành mua đất sản xuất. Đến nay gia đình tôi có 7.200m2 đất sản xuất chè, trong đó có 4.320m2 đất tự mua, còn lại là đất của các cụ cho thừa kế. Nhờ làm chè theo phương pháp an toàn, nên sản phẩm làm ra đều được tư thương đến nhà đặt mua. Mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 100 triệu đồng đã trừ chi phí.
Chuyện làm giàu, ông Đỗ Đình Cường, Chủ tịch Hội CCB xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) tự hào: Hội CCB xã có 17 chi hội, hơn 480 hội viên, trong đó có 61% gia đình CCB đạt giàu, khá giàu trở lên. Hằng năm Hội triển khai có hiệu quả phong trào thi đua CCB gương mẫu, làm kinh tế giỏi. Để “tiếp sức” cho CCB có thêm nguồn lực phát triển kinh tế gia đình, Hội vận động hội viên đóng góp xây dựng chân quỹ được gần 300 triệu đồng. Tiền chân quỹ sử dụng vào việc thăm hỏi, hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cho các hội viên vay phát triển sản xuất. Cùng với tiền chân quỹ, Hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hàng chục lượt CCB vay vốn đầu tư làm kinh tế. Nhờ đó, nhiều CCB có đủ tiềm lực vươn lên trở thành hộ giàu tại địa phương. Tiêu biểu như CCB Trần Hiển Tuấn, xóm Tuần, đầu tư mở xưởng làm đá xẻ, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. Hằng năm, trừ mọi khoản chi phí đầu tư, ông Tuấn còn có lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Không chỉ sản xuất giỏi, ông Tuấn còn là một CCB gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Mỗi năm ông ủng hộ cho các quỹ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, đền ơn đáp nghĩa… hơn 40 triệu đồng.
Còn nhiều nữa những tấm gương CCB giàu nghị lực vươn lên làm kinh tế giỏi. Và giữa cuộc đời bình dị, những người từng một thời mang áo lính luôn gương mẫu trước các phong trào thi đua yêu nước, tiên phong trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, được mọi người nơi cư trú quý mến.