Chị Nguyễn Thị Hồng Oanh, Phó Phòng khám tư vấn và Điều trị dự phòng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – Sở Y tế) cho biết: Hiện cả 9 huyện, thành, thị đều có điểm tiêm phòng bệnh dại nên người dân có thể đến đó khám và tư vấn bước đầu. Riêng tại Phòng khám, trung bình mỗi tháng có khoảng 400-500 bệnh nhân tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Hiện, số người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn phải tiêm vắc xin phòng dù rất cao nhưng do chủ quan nên vẫn có những trường hợp tử vong vì bệnh dại. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp tử vong vì bệnh dại, và từ đầu năm đến nay cũng đã có 3 trường hợp tử vong.
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Oanh: Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm bởi khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Khi bệnh nhân đến đây tiêm phòng, cán bộ phòng khám đều hỏi rất kỹ nguyên nhân bị chó nghi dại cắn. Hỏi xem cách thức họ rửa vết thương như thế nào. Đồng thời chúng tôi cũng tư vấn rất kỹ cho họ cách rửa vết thương để sau này họ có thể hướng dẫn trong cộng đồng. Đây là biện pháp rất quan trọng bởi nếu rửa vết thương đúng cách sẽ giảm bớt lượng vi rút hoặc có thể sạch hết vi rút thâm nhập vào cơ thể và làm bệnh nhẹ đi rất nhiều. Bên cạnh đó, cán bộ y tế ở các điểm tiêm phòng dại cần hướng dẫn người bệnh tiêm phòng sớm, đầy đủ theo lịch hẹn để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Các chủ nuôi chó cần tiêm phòng đầy đủ cho chó hằng năm bởi việc này sẽ giảm rất nhiều lượng chó bị nhiễm bệnh dại.
Qua theo dõi nhiều trường hợp bị chó cắn nặng hoặc bị chó lên cơn dại cắn tới tiêm phòng bệnh dại ở Phòng khám, thì không trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người bệnh bị chó cắn vào vùng đầu - mặt - cổ nhưng vài ngày, thậm chí 1 tuần sau họ mới đến tiêm phòng. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu bị chó cắn ở vùng đầu mặt cổ nếu như không tiêm phòng sớm thì có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Hiện, Phòng khám đang sử dụng vắc xin kháng dại nhập từ Ấn Độ và Pháp, số lượng người dân đến tiêm phòng bệnh dại khá cao. Do vậy, Phòng khám cũng có thời điểm khan hiếm vắc xin. Đơn cử như thời điểm tháng 5 và 6-2018, tỉnh Thái Nguyên phải “gánh” cho người dân của các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang xuống tiêm phòng nên đã gây khan hiếm vắc xin. Bởi tiêm phòng bệnh dại không phải tiêm một lần là xong mà phải tiêm hết liều, người dân phải đi lại xa, có thể người dân không tuân thủ lịch tiêm chủng cũng là vấn đề nguy hiểm. Đây cũng là nỗi trăn trở của những người làm công tác dự phòng.
Tiêm vắc xin và tuân thủ lịch tiêm là khuyến cáo của ngành Y tế với những trường hợp bị chó nghi dại cắn. Đó không chỉ bảo toàn tính mạng cho người bệnh mà còn giảm nỗi đau mất mát cho người thân. Khi bị chó cắn, người dân phải biết cách xử trí vết thương sớm nhất; rửa vết thương đúng cách, đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, tiêm phòng sớm nhất. Được biết, thời điểm bệnh dại bùng phát mạnh là vào mùa heo may, tuy vậy người dân cũng không nên chủ quan, khi bị chó nghi dại cắn thì cần tới điểm tiêm phòng dại để được tư vấn, tiêm phòng vắc xin kháng dại.