Huyện Đại Từ có trên 27 vạn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 27% (tập trung chủ yếu ở các xã: Phúc Lương, Đức Lương, Quân Chu). Những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, huyện luôn chú trọng tiếp cận sâu sát, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bà con, từng bước xây dựng lực lượng nòng cốt tiêu biểu ở vùng đồng bào DTTS. Các chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, toàn diện trong các lĩnh vực, chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay. Trên cơ sở các văn bản của tỉnh, tùy vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, huyện đã quán triệt, chỉ đạo, triển khai trên địa bàn thông qua các chương trình hành động. Nhiều chương trình, chính sách được tập trung thực hiện, trong đó điển hình là các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến nay, 100% các xã trong huyện có đường giao thông đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc đổ bê tông, có điện lưới quốc gia, trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia; 100% các thôn, xóm có đường đi lại thuận tiện…
Mới đây, chúng tôi có dịp về Quân Chu - xã miền núi đặc biệt khó khăn ở huyện Đại Từ. So với mặt bằng chung của huyện thì đây là địa phương có trình độ dân trí còn thấp, thu nhập bình quân chưa cao, giao thông đi lại ở một số xóm còn khó khăn, các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của bà con còn thiếu. Xã có 1.072 hộ, gần 3.900 nhân khẩu, với 6 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Dao, Kinh, Sán Dìu, Nùng, Thổ, Tày, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm đa số với 1.668 nhân khẩu (chiếm 44,1% dân số của xã). Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: 2015 và 2016 là 2 năm mà xã được đầu tư nhiều công trình nhất từ nguồn vốn 135, với trên 3,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã thực hiện xây dựng, duy tu, bảo dưỡng gần 2km đường giao thông các tuyến: xóm Vụ Tây đi Tân Yên 1 và nối 2 xóm Chiểm 1 và Chiểm 2; xây dựng tuyến kênh mương nội đồng các xóm Vang, Chiểm 1, Hòa Bình 2. Các công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh hoạt cũng như phát triển sản xuất.
Cùng với đầu tư về cơ sở hạ tầng, huyện Đại Từ cũng chú trọng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ đồng bào DTTS để phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập. Việc hỗ trợ sản xuất không đơn thuần là “rót” kinh phí mà quan trọng hơn là tạo “đòn bẩy” giúp đồng bào DTTS có cuộc sống tốt hơn, vươn lên bắt nhịp với sự phát triển chung. Cụ thể là bà con được hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, thiết bị vật tư, máy móc, nông cụ sản xuất và trang bị thêm nhiều kiến thức mới trong sản xuất, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi. Tùy vào phong tục, tập quán, điều kiện của từng vùng, huyện xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, tạo sinh kế, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy quá trình giảm nghèo. Nếu như năm 2016, toàn huyện còn 8.200 hộ nghèo, thì đến hết năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn huyện đã giảm xuống còn 3.226 hộ nghèo, trong đó hộ đồng bào DTTS chiếm 1.199 hộ.
Ông Triệu Quang Hưởng, Chủ tịch UBND xã Đức Lương cho biết: Trên địa bàn xã có 80% dân số là bà con dân tộc Tày, Nùng. Trước đây, đời sống của bà con trong xã gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người nằm ở tốp cuối của huyện. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, đồng bào dân tộc ở đây đã được cung cấp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản như: Máy bơm, bình phun thuốc bảo vệ thực vật, tôn sao chè, máy quạt thóc… Cùng với đó, bà con cũng được tập huấn các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nên người dân đã thay đổi về phương thức sản xuất. Đặc biệt là bà con đã biết lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Ngoài hỗ trợ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều chính sách khác cũng được triển khai như: Vay vốn tín dụng, y tế, giáo dục… Qua đó, đã góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng bào DTTS, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, đồ#ng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định... Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, giảm dần chênh lệch về mức sống giữa các vùng.