24 tuổi nhưng anh Ngô Văn Chiến, học viên tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện tự nguyện huyện Phú Bình đã có “thâm niên” hơn 7 năm nghiện ma túy. Anh Chiến bộc bạch: Tôi đi làm nghề bốc vác, thu nhập ngày nhiều thì được 300-400 trăm nghìn đồng, ít thì chỉ được vài chục nghìn, nhưng kiếm được bao nhiêu tôi “đốt” hết vào ma túy. Tôi đã từng mua thuốc tự cai nghiện vài lần nhưng đều không thành công. Vì vậy, gia đình đã đăng ký cho tôi đến cai nghiện tại Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện tự nguyện huyện Phú Bình. Tại đây, ngoài việc được dùng thuốc cắt cơn, anh Chiến còn được tư vấn, điều trị tâm lý để có ý thức không tái nghiện sau cai. Bác sĩ Dương Xuân Hùng, cán bộ Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện tự nguyện huyện Phú Bình cho biết: Vào điều trị với tâm lý tự nguyện nên anh Chiến tích cực phối hợp uống thuốc, tư vấn tâm lý. Sau hơn 10 ngày điều trị cắt cơn, tình hình sức khỏe của anh bước đầu đã ổn định, cảm giác thèm ma túy đang giảm dần.
Cũng giống như anh Chiến, anh Nguyễn Viết Phương, học viên đang điều trị tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ chia sẻ: 10 năm nghiện ma túy tôi đã tự cai đến hàng chục lần nhưng đều không thành công. Thời gian trôi qua, niềm tin của gia đình đối với tôi đã gần như cạn kiệt. Tuy vậy, qua gần 1 năm học tập, sinh hoạt ở Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ, tôi cảm nhận được sự quan tâm, tận tình của các y bác sĩ, đặc biệt là được giải thích, tư vấn rất nhiều về định hướng tương lai. Hiện, tôi đang tích cực lao động và học nghề trồng cây ăn quả và chăn nuôi tại Cơ sở để khi về địa phương sẽ tham gia lao động, làm kinh tế cho gia đình.
Theo các bác sĩ, hầu hết những người tự cai nghiện hiện nay sử dụng thuốc ngủ hoặc một số loại thuốc cắt cơn thông dụng. Thời gian cai chỉ khoảng 15-20 ngày, sau đó người nghiện trở lại với việc lao động, sinh hoạt bình thường nên nguy cơ tái nghiện là rất cao. Trong khi đó, đối với cai nghiện tại các cơ sở chuyên sâu, người nghiện được khám, tư vấn, dùng các loại thuốc theo từng giai đoạn. Họ còn được tư vấn tâm lý, tham gia các hoạt động ngoại khóa, dạy nghề trong vòng 1-2 năm để cách ly hoàn toàn với ma túy. Thêm vào đó, khác với những đối tượng phải đi cai nghiện bắt buộc, những người tham gia cai nghiện tự nguyên đều rất hợp tác, có ý chí vươn lên làm lại cuộc đời nên tỷ lệ cai nghiện thành công cao hơn khoảng 10-15% so với các đối tượng khác.
Tính từ năm 2008 đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho khoảng 18.000 lượt người. Trong đó, cai nghiện tư nguyện tại gia đình và cộng đồng chiếm trên 70%, còn lại là cai nghiện bắt buộc. Số người đăng ký cai nghiện ma túy tại các trung tâm, cơ sở chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ khoảng 200 người/năm. Bác sĩ Lê Đức Hùng, Giám đốc Cơ sở tư vấn và điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) phân tích: Khi tham gia cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở của Nhà nước, người nghiện được hỗ trợ thuốc cắt cơn, các đối tượng thuộc gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ cả tiền ăn, còn những đối tượng khác phải tự đóng góp. Trong khi người nghiện, đặc biệt là những người nghiện ma túy lâu năm ít nhận được niềm tin, sự quan tâm của gia đình nên vấn đề kinh tế đối với họ tương đối khó khăn. Một nguyên do khác là do người nghiện không có ý chí, không muốn tham gia cai nghiện trong khi công tác tuyên truyền, vận động đối với nhóm người nghiện đang gặp nhiều khó khăn.
Một trong những khó khăn nữa trong công tác cai nghiện ma túy tự nguyện hiện nay là hạ tầng của các cơ sở cai nghiện không đáp ứng được nhu cầu. Đơn cử như Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện tự nguyện huyện Phú Bình chỉ có 2 phòng cho bệnh nhân điều trị, một phòng cắt cơn và một phòng bệnh. Các công trình sinh hoạt văn hóa, thể thao hay phòng lao động trị liệu, tư vấn tâm lý đều không có. Vì thiếu thốn về cơ sở vật chất, nên đơn vị hiện chỉ điều trị cắt cơn trong thời gian 20 ngày rồi trả người nghiện về cộng đồng tiếp quản và theo dõi. Hay như Cơ sở tư vấn và điều trị, cai nghiện ma túy đang phải “gồng gánh” khoảng 500 bệnh nhân điều trị cả bắt buộc và tự nguyện, phòng ở cho bệnh nhân thiếu thốn dẫn đến nhiều hạn chế trong công tác cai nghiện.
Chủ trương của của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh trong chăm sóc, phục hồi sức khỏe, hành vi người nghiện là tạo điều kiện để người cai nghiện được rèn luyện, giáo dục phục hồi hành vi, nhận thức, bảo đảm người cai nghiện tự nguyện được tiếp cận những dịch vụ tốt nhất để từ bỏ ma túy sẵn sàng hòa nhập, trở lại với gia đình, xã hội và có việc làm ổn định... Tuy vậy, để đạt được mục tiêu này công tác tuyên truyền về cai nghiện cần được đẩy mạnh đến đúng các đối tượng là người nghiện và gia đình có người mắc nghiện. Bên cạnh đó, cần xem xét chuyển đổi hoặc đầu tư một số cơ sở trọng điểm để tạo điều kiện cho người đăng ký cai nghiện tự nguyện được điều trị, sinh hoạt và phục hồi trong môi trường đảm bảo theo đúng phác đồ điều trị.