Cập nhật: Chủ nhật 02/06/2019 - 16:12

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra các địa bàn trong tỉnh, thực sự là vấn đề khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn ở địa phương. Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, các biện pháp phòng, chống dịch đã được triển khai ở tất cả các địa phương, song để đạt hiệu quả cao nhất, đòi hỏi tất cả phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy định đề ra.

Phóng viên: Ông có thể cho biết đôi nét về thực trạng dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh ta hiện nay và nhận định diễn biến tình hình dịch trong thời gian tới?

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng: Ngày 5/3/2019, xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại xã Úc Kỳ (Phú Bình). Từ đó đến nay đã lan rộng ra 134 xã thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Số lợn mắc bệnh, ốm chết buộc tiêu hủy tính đến thời điểm này là trên 31 nghìn con, bằng khoảng 4,5% tổng đàn. Do hiện nay chưa có vắc xin, thuốc phòng bệnh nên nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi rất cao, diễn biến rất phức tạp, có khả năng lây lan sang tất cả các địa phương chưa có dịch và tái phát ở các địa phương đã hết dịch. Nguy hiểm hơn, nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả, dịch có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô đàn lớn, gây hậu quả khó lường. Phú Bình là một trong những địa phương được cảnh báo có nguy cơ lây lan cao nhất vì chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại san sát, lại có 6 xã giáp với tỉnh Bắc Giang, địa phương đang có những diễn biến hết sức phức tạp về dịch tả lợn châu Phi.

Phóng viên: Được biết, tỉ lệ lợn chết do mắc dịch phải tiêu hủy của Thái Nguyên đang thấp nhất so với các tỉnh lân cận có dịch. Ông đánh giá thế nào về công tác phòng, chống, dập dịch của chúng ta những ngày qua?

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng: Nhận thấy mức độ đặc biệt nguy hiểm của loại dịch bệnh này đối với ngành chăn nuôi lợn, ngay khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, toàn tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác phòng, chống, dập dịch. Hiện nay, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc, cố gắng kiềm chế thấp nhất tình trạng lây lan, không để các trang trại chăn nuôi lớn mắc dịch. Người chăn nuôi đã được tuyên truyền thực hiện theo phương án “5 không” gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường và đặc biệt, không tự ý chữa trị và mổ khám lợn bệnh. Tiến hành tập huấn cho hàng trăm cán bộ thú y cơ sở và hàng chục nghìn người chăn nuôi về phương pháp lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cũng như quy trình phòng, chống, dập dịch. Lực lượng thú y thường xuyên giám sát chặt chẽ tại các hộ chăn nuôi, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ lợn, tránh trường hợp người chăn nuôi giấu dịch, bán chạy hoặc tự ý chữa trị, mổ khám. Chính quyền các địa phương trong tỉnh khi phát hiện ổ dịch cơ bản đã tuân thủ nghiêm việc tiêu hủy triệt để số lợn bị mắc. Đồng thời tiến hành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời, khoanh vùng bao vây ổ dịch, kiểm soát vận chuyển giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ lợn ngay trong vùng dịch, vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại nơi có dịch. Kết quả, đã thành lập 57 chốt kiểm dịch động vật tạm thời, 9 đội kiểm tra liên ngành; cung cấp gần 26 nghìn lít hóa chất, cấp kinh phí mua 350 tấn vôi bột, tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi trong toàn tỉnh vào 2 ngày cuối tuần…

Phóng viên: Trong quá trình phòng, chống, dập dịch ở cơ sở, thực tế đã cho thấy còn một số khó khăn, tồn tại và hạn chế. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng: Hiện nay, các tỉnh lân cận với Thái Nguyên có diễn biến dịch hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan mầm bệnh sang tỉnh ta là rất cao.Trong khi đó, lực lượng cán bộ chuyên ngành tham gia công tác chống dịch của tỉnh còn thiếu. Mặt khác, chăn nuôi lợn ở tỉnh ta phần lớn theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống dịch. Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo thực hiện các biện pháp chống dịch chưa quyết liệt, hiệu quả, vẫn còn tình trạng phát hiện, khai báo dịch chậm; công tác khử trùng, tiêu độc có nơi vẫn còn hình thức, nhất là ở vùng có dịch; việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn trong vùng có dịch còn lúng túng, thiếu chặt chẽ. Định mức hỗ trợ lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch theo quy định còn thấp, bất cập so với thực tế; việc hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy ở các địa phương còn chậm do khó khăn nguồn kinh phí…

Phóng viên: Để phòng, chống, dập dịch hiệu quả nhất, theo ông cần phải thực hiện các giải pháp quan trọng nào?

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng: Ngoài phòng, chống dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giải pháp số 1 hiện nay là kịp thời phát hiện, tiêu hủy lợn mắc dịch để diệt tận gốc mầm bệnh, đồng thời ngăn chặn dịch từ ngoài xâm nhập vào. Cần thiết phải có kế hoạch tiễu trừ cụ thể đối với từng ổ dịch, tránh biện pháp chung chung; đặc biệt quan tâm phòng, chống dịch đối với những trang trại lớn, cơ sở chăn nuôi quy mô, bảo vệ các đơn vị sản xuất lợn giống. Trong bối cảnh dịch tiếp tục lây lan, yêu cầu người chăn nuôi bắt buộc phải giảm mật độ, quy mô đàn, không vào đàn đối ở những nơi đang có dịch. Chấp nhận tổ chức giết mổ, tiêu thụ thịt lợn âm tính với dịch bệnh ngay trong vùng có dịch trên cơ sở giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y, tránh vận chuyển ra bên ngoài… Đặc biệt, có biện pháp quyết liệt để tất cả đều tuân thủ nghiêm ngăt quy trình, quy định về phòng, chống, dập dịch. Tiêu hủy lợn mắc dịch bằng cách chôn lấp để đạt hiệu quả cao nhất, cần tổ chức chôn lấp tại chỗ, tránh lây lan, sử dụng biện pháp chôn khô, có cắm rào và biển cảnh báo tại khu vực chôn lấp…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn San
(thực hiện)