Dưới cái nắng oi ả của tháng 6, đi trên cánh đồng xã Phú Xuyên (Đại Từ), chúng tôi bắt gặp những ruộng lúa chín vàng, bông nào bông nấy uốn cong, hạt to, căng mẩy. Khung cảnh người gặt lúa, tuốt lúa thật nhộn nhịp. Hương thơm của lúa chín hòa quện cùng mùi rơm tươi ngai ngái thoang thoảng trong gió. Những ruộng cách xa đường giao thông, người dân phải gánh những gánh lúa nặng trĩu vai nhưng nét mặt ai cũng vui tươi, phấn khởi vì được mùa. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Trần Trọng Hoàng, người dân xóm 8 chia sẻ: Trời nắng nóng nên nhà tôi phải dậy sớm từ tờ mờ sáng để thu hoạch lúa. Nhưng được cái bù lại, trời nắng to nên chỉ cần phơi 2, 3 ngày là thóc khô, có thể quạt sạch và cất vào kho. Nhà tôi cấy 3 sào ruộng, bao gồm các giống Khang dân, Hương thơm, thu hoạch được hơn 2 tạ/sào, tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Về Phú Bình, chúng tôi cũng thấy bà con trong huyện đang huy động phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa xuân. Bà Nguyễn Thị Đông, ở xóm Ngọc Sơn, xã Điềm Thụy cho biết: Đang trong mùa mưa bão nên hễ lúa bắt đầu chín là chúng tôi thuê máy móc để thu hoạch luôn. Vài năm gần đây, chúng tôi đều thuê máy gặt đập liên hoàn với giá 150 nghìn đồng/sào và chỉ việc chở thóc về nhà phơi, mất thêm chi phí nhưng cũng đỡ vất vả. Nhà tôi cấy 4 sào lúa, các con lớn đều đi làm công nhân ở khu công nghiệp nên chỉ có mình tôi đảm nhận công việc đồng áng. Thu hoạch lúa xuân xong nhà tôi lại thuê máy cày đất để chuẩn bị gieo mạ cho vụ mùa.
Không chỉ ở Đại Từ, Phú Bình mà nhiều địa phương khác trong tỉnh, bà con nông dân cũng đang hối hả xuống đồng thu hoạch lúa xuân để còn làm đất gieo cấy lúa mùa. Được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được 29.946 ha lúa, vượt 3,5% so với kế hoạch và bằng 99,47% so với cùng kỳ. Trong vụ xuân, giai đoạn từ khi gieo mạ đến lúc chuẩn bị trỗ bông, thời tiết khá thuận lợi cho cây lúa, sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, từ giai đoạn lúa trỗ bông đến lúc chín cũng có những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt, không thuân lợi cho cây lúa phơi màu. Ngoài ra, trên cây lúa còn có xuất hiện một số sâu, bệnh hại như: Bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy nâu và sâu đục thân... Nhưng, nhờ có sự sát sao của cán bộ ngành Nông nghiệp, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khuyến cáo bà con phun phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên không làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Dự ước, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh vẫn đạt 56,88 tạ/ha, đạt 104% so với kế hoạch, bằng 100,02% so với cùng kỳ. Sản lượng lúa ước đạt 170.333 tấn, vượt 7,6% kế hoạch và bằng 99,48% so với cùng kỳ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Trong vụ xuân, các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, cơ giới hóa được tuyên truyền, khuyến cáo bà con áp dụng vào sản xuất cùng nhiều mô hình được triển khai có hiệu quả đã giúp người nông dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất theo hướng liên kết tập trung, quy mô lớn để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể, trong vụ xuân, toàn tỉnh đã có 3 mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung cùng 1 giống lúa, đó là: Mô hình sản xuất lúa J02, quy mô 30ha, ở xã Tân Đức (Phú Bình); mô hình sản xuất lúa TH3-5, quy mô 17ha, ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) và mô hình sản xuất lúa J02, quy mô 15ha, ở xã Khôi Kỳ (Đại Từ).
Ngoài ra, chúng tôi còn khuyến cáo bà con áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến theo phương pháp SRI, sử dụng phân bón cân đối, an toàn và hiệu quả, tưới tiết kiệm, điều tiết nước hợp lý ở từng thời ký sinh trưởng; áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp IPM. Cùng với đó, việc bà con chủ động áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất cũng làm giảm đáng kể chi phí hạt giống, công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Không chủ quan với tình hình sâu bệnh gây hại, từ nay tới cuối vụ, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác điều tra phát hiện sâu bệnh hại, đặc biệt chú ý rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn để hướng dẫn bà con phòng, trừ kịp thời nhằm bảo vệ cây trồng cuối vụ.
Hiện nay, đang trong mùa mưa bão nên bà con nông dân cần chú ý theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đối với diện tích lúa đã chín, bà con nên huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Thu hoạch đến đâu, bà con làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó, đồng thời, bón thêm vôi bột hoặc một số chế phẩm sinh học như: Azotobacte, Tricoderma... để tăng cường phân hủy rơm rạ, hạn chế nguồn sâu bệnh hại và tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa.