Có thể khẳng định, kết quả CCHC năm 2018 phản ánh rõ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đặc biệt là sự quyết liệt của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Trong đó, 3 sở, ngành giữ nguyên thứ hạng cao so với năm 2017 là Sở Khoa học & Công nghệ (dẫn đầu), Sở Công thương (đứng thứ hai) và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (đứng thứ 3). Khu vực các huyện, thành, thị ghi nhận T.P Sông Công tăng 1 bậc so với năm 2017, dẫn đầu bảng xếp hạng CCHC các địa phương; tiếp đến là T.P Thái Nguyên tăng 1 bậc so với năm 2017, vươn lên xếp thứ 3. Sự bứt phá đáng chú ý trong công tác này phải kể đến: Ban Dân tộc tỉnh từ thứ hạng 11 vươn lên đứng thứ 4 (tăng 7 bậc so với năm 2017); Sở Lao động Thương binh và Xã hội từ vị trí cuối cùng năm 2017 vươn lên đứng thứ 11 (tăng 8 bậc so với năm 2017); huyện Đồng Hỷ tăng 3 bậc so với năm 2017.
Mặc dù công tác CCHC của tỉnh có những chuyển biến rất tích cực, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Điều đó thể hiện rõ nhất qua kết quả khảo sát trực tiếp của 2 tổ công tác HĐND tỉnh về công tác CCHC mới đây tại 6 huyện: Định Hoá, Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, T.X Phổ Yên và các sở: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Khoa học & Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh. Đây là một trong những nội dung mà Thường trực HĐND tỉnh chọn thực hiện tại phiên chất vấn lần thứ nhất năm 2019 được tổ chức mới đây nhằm làm rõ những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc, bất cập trong công tác CCHC; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan. Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, 5 ủy viên UBND tỉnh là giám đốc các sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ rõ: Qua khảo sát cho thấy, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) phải giải quyết theo thẩm quyền được niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và đăng tải trên cổng dịch vụ công trực tuyến ở UBND cấp huyện, cấp xã rất khác nhau, chưa có sự thống nhất với các quyết định công bố danh mục TTHC do UBND tỉnh ban hành. Số TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện theo các quyết định của UBND tỉnh năm 2018 công bố là 241, tuy nhiên theo báo cáo và trên cổng dịch vụ công trực tuyến của các huyện thì số liệu chênh lệch rất nhiều, có đơn vị chênh tăng từ 24 TTHC đến 55 TTHC (T.P Sông Công, huyện Phú Lương, huyện Võ Nhai), có đơn vị thì đăng tải và báo cáo số TTHC thấp hơn từ 1 đến 40 TTHC (T.P Thái Nguyên).
Tương tự ở cấp xã cũng vậy. Đơn cử như ở T.P Thái Nguyên, cấp xã theo báo cáo số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết là 122, nhưng đăng công khai trên cổng dịch vụ công trực tuyến là 120. Theo quyết định công bố của UBND tỉnh, UBND cấp xã có 115 TTHC, kết quả khảo sát tại xã Bảo Cường (Định Hóa) có 118 TTHC, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) có 152 TTHC, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) có 125 TTHC… Như vậy, về cơ bản các đơn vị chưa xác định được chính xác số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu và thẳng thắn nhận trách nhiệm và chủ động đề xuất giải pháp để giải quyết những tồn tại mà đại biểu HĐND tỉnh chỉ ra.
Qua khảo sát cho thấy, việc thực hiện giải quyết liên thông các TTHC chưa thống nhất. Một số xã chưa triển khai thực hiện liên thông TTHC về cấp giấy khai sinh, nhập hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ mai táng/hưởng mai táng phí… Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa kịp thời niêm yết các TTHC mới ban hành đã có hiệu lực, trong khi vẫn còn tình trạng niêm yết các TTHC cũ đã hết hiệu lực; chưa thực hiện công khai địa chỉ, số điện thoại của người đứng đầu cũng như cán bộ, công chức được phân công làm tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Chưa kể, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của bộ phận một cửa ở cấp xã còn rất khó khăn, đơn cử như ở huyện Định Hóa còn 3 xã phải tiếp nhận hồ sơ tại phòng làm việc riêng lẻ, chưa có phòng tập trung.
Đặc biệt là tình trạng quá hạn giải quyết TTHC vẫn diễn ra phổ biến ở các lĩnh vực ngành, địa phương. Cụ thể, ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ thời điểm 1/4/2016 (thời điểm văn phòng đăng ký đất đai được tổ chức theo mô hình một cấp), đến năm 2018, có 2.422 hồ sơ trả kết quả quá hạn, chiếm 0,96%; trả lại 10.553 hồ sơ, chiếm 4,18%. Cá biệt, vẫn có tình trạng phát sinh TTHC ngoài quy trình như Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai T.X Phổ Yên yêu cầu bổ sung xác nhận của công an khi người dân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đánh mất, thất lạc; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phú Bình yêu cầu UBND cấp xã có tờ trình đề nghị cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do người dân làm mất, thất lạc…
Về vấn đề này, người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở cho rằng nguyên nhân là do biên chế cán bộ, viên chức Văn phòng đăng ký đất đai ít (các chi nhánh chỉ có 63 biên chế), chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Mặt khác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã còn nhiều hạn chế. Ngoài ra phải kể đến nguyên nhân khách quan như hồ sơ lập qua các thời kỳ không được cập nhật biến động thường xuyên, hồ sơ trước đây có nhiều sai sót… Lãnh đạo Sở này cũng khẳng định giải pháp sẽ tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cán bộ của ngành. Đồng thời trong năm 2019 xây dựng và triển khai cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Như vậy, có thể thấy, mặc dù đã có bước tiến vượt bậc trong công tác CCHC trong thời gian qua, nhưng với những tồn tại, hạn chế như đã chỉ ra tại kỳ họp HĐND vừa qua thì các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm với những giải pháp phù hợp hiệu quả để tiếp tục cao chỉ số CCHC và xây dựng được nền hành chính vì nhân dân phục vụ.