Cập nhật: Thứ hai 17/06/2019 - 09:14
Quan tâm, tạo điều kiện giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những giải pháp thiết thực để lôi cuốn đoàn viên. Trong ảnh: ĐVTN xã Động Đạt (Phú Lương) tham quan mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Bùi Tiến Thành, xóm Khe Nác, xã Động Đạt.
Quan tâm, tạo điều kiện giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những giải pháp thiết thực để lôi cuốn đoàn viên. Trong ảnh: ĐVTN xã Động Đạt (Phú Lương) tham quan mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Bùi Tiến Thành, xóm Khe Nác, xã Động Đạt.

Có một thực tế là tổ chức đoàn cơ sở ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ta đang rất lỏng lẻo. Không ít thôn xóm, tổ dân phố hầu như không còn đoàn viên, có tổ chức đoàn nhưng “trắng” hoạt động hoặc hoạt động theo… thời vụ. Bởi thế vai trò tiền phong xung kích của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hầu như không được thể hiện. Làm sao để giữ “lửa” cho phong trào đoàn đang là câu hỏi khó.

Kỳ 1: Khoảng trống phong trào đoàn

Một khảo sát sơ bộ cho thấy, nhiều chi đoàn ở vùng nông thôn hiện nay gần như tê liệt, lý do là lực lượng trong độ tuổi thanh niên đi làm ăn xa hoặc có ở nhà thì cũng không tham gia sinh hoạt đoàn. Có nơi chỉ còn duy nhất bí thư chi đoàn, hoặc một năm phải kiện toàn vài ba lần bí thư chi đoàn. Thiếu nguồn nhân lực như vậy nên việc tổ chức các hoạt động phong trào rõ ràng là không khả thi.

Thưa vắng đoàn viên

Trong buổi sinh hoạt định kỳ tháng 5 vừa qua, ông Nông Văn Thức, Bí thư Chi bộ  Cầu Hoàn, xã Na Mao đã báo cáo với lãnh đạo huyện Đại Từ một thực tế là hiện xóm hoàn toàn “trắng” đoàn viên. Toàn bộ thanh niên trong độ tuổi đều đi làm ăn xa chỉ còn duy nhất bí thư chi đoàn ở nhà. Thế nên muốn tổ chức hoạt động gì cũng vướng mắc. Ở xã Tân Thịnh (Định Hóa), ông Vũ Văn Trịnh, Bí thư Đảng ủy xã cũng thẳng thắn: Không những thiếu đoàn viên, đội ngũ cán bộ đoàn ở cấp xóm cũng đang yếu. Có những cơ sở báo lên, một năm phải kiện toàn đến 3-4 lần bí thư chi đoàn.

Hai ví dụ nêu trên có thể xem như phác họa qua cho bức tranh về công tác đoàn ở thôn, xóm nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xin chứng minh thêm ở một vài địa phương. Thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) có trên 600 thanh niên độ tuổi từ 16-35. Đoàn Thanh niên thị trấn đang quản lý 95 đoàn viên, nhưng số lượng tham gia sinh hoạt thường xuyên tại 16 chi đoàn tổ dân phố, cơ quan, trường học chỉ khoảng 30-40 người. Tính ra trung bình mỗi chi đoàn có 2-3 người. Nhiều đơn vị thậm chí còn 1-2 người, như chi đoàn tổ 2 chỉ có bí thư và phó bí thư, chi đoàn tổ 6 được coi là có đông ĐVTN nhưng cũng có 4 người. Lực lượng mỏng, nhiều tổ dân phố không đủ đoàn viên nên phải vận dụng hình thức sinh hoạt ghép. Đơn cử như chi đoàn tổ 3 và 4, tổ 7 và 8, tổ 9-10, tổ 11-12. Anh Trần Kim Cương, Bí thư Đoàn thị trấn buồn rầu: Trên địa bàn hiện có 2 cơ sở đoàn không trực thuộc Đoàn thị trấn là Mỏ sắt Trại Cau, Trường THPT Trại Cau và 1 chi đoàn giáp ranh là Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (thuộc địa phận xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ). Đoàn viên tuy vẫn cư trú ở địa phương nhưng sinh hoạt luôn tại công ty, trường học. Thiếu người nên chúng tôi không thể tổ chức được hoạt động gì gọi là dấu ấn cả.

Xã Phú Thượng được đánh giá là một trong những cơ sở đoàn vững mạnh của huyện Võ Nhai, tuy nhiên số lượng đoàn viên cũng rất khiêm tốn. Toàn xã có trên 300 người trong độ tuổi đoàn, nhưng chỉ 145 người sinh hoạt tại 12 chi đoàn xóm và 5 cơ quan, trường học. Bí thư Đoàn xã Hà Văn Sơn thông tin: Thực tế số người sinh hoạt thường xuyên chỉ khoảng 60-70 người, đây là những thanh niên ở nhà phát triển kinh tế gia đình. Cá biệt có Chi đoàn xóm Cao Biền cách trung tâm gần 20km, việc thông tin liên lạc để triển khai các hoạt động rất khó khăn vì địa hình cách trở, sóng điện thoại chập chờn… Vì thiếu nhân lực nên mỗi khi có chương trình do cấp trên phát động, Đoàn Phú Thượng lại loay hoay tìm người để triển khai. Điều này thấy rõ qua các chiến dịch tình nguyện, hoặc phong trào “Năm xung kích, bốn đồng hành”, Đoàn xã thường phải đẩy về cho khối trường học vì chỉ ở đây mới có đoàn viên sinh hoạt đều.

Sinh hoạt đoàn… thời vụ

Xuất phát từ lý do chính là thiếu nhân lực nên các phong trào đoàn ở thôn xóm, tổ dân phố khá đơn điệu, chủ yếu tập trung vào mùa hè khi được bổ sung đoàn viên là học sinh, sinh viên về nghỉ hoặc vừa ra trường nhưng chưa xin được việc làm. Hoạt động lúc đó tập trung vào việc tổ chức văn nghệ, lo Tết Thiếu nhi và Tết Trung thu cho các cháu nhỏ.

Trở lại với với Chi đoàn xóm Cầu Hoàn, xã Na Mao (Đại Từ). Khi Đoàn xã chỉ đạo tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho thiếu nhi, xóm đã thành lập Ban Quản lý hè với gần chục thành viên, trong đó phần lớn là hội viên người cao tuổi, cựu chiến binh hay phụ nữ. Bí thư Chi đoàn xóm là một trong những thành viên, ngoài ra còn được bổ sung thêm 2 học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ nghỉ hè. “May được 2 em học sinh hỗ trợ tập văn nghệ và dạy hát cho bọn trẻ, không thì tôi chẳng biết phải xoay sở như thế nào. Ở xóm cũng còn một số thanh niên đi làm thời vụ, về nhà vào buổi tối hoặc cuối tuần nhưng không mặn mà lắm với các phong trào. Họ nghĩ tham gia sinh hoạt là bỏ việc nhà để phục vụ tập thể, đã thế lại còn phải đóng đoàn phí và ràng buộc nhiều trách nhiệm khác nữa” - Bí thư Chi đoàn Cầu Hoàn Đỗ Vân Anh chia sẻ.

Tìm hiểu ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy thực trạng chung sinh hoạt đoàn ở cơ sở còn rất lỏng lẻo, mang tính hình thức nên không đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ. Các hoạt động chỉ sôi nổi, đa dạng hơn vào mỗi dịp hè khi các thôn xóm, tổ dân phố nhận được “tiếp viện” là học sinh, sinh viên từ các trường. Ngoài lo Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu thì sẽ có thêm 1-2 hoạt động hưởng ứng các chiến dịch lớn như mùa hè xanh, kỳ nghỉ hồng, tình nguyện… Hết hè, hoạt động đoàn lại bị chùng xuống. Chị Lý Thị Đài Trang, đoàn viên Chi đoàn tổ 14, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) nói: “Các hoạt động ở chi đoàn chủ yếu theo đợt do cấp trên phát động, thường là dọn dẹp vệ sinh hay trồng cây, thi thoảng là vài tiết mục văn nghệ để tham gia cho “có”. Thời gian gần đây, do công việc kinh doanh bận rộn nên tôi không thể tham gia thường xuyên như trước nữa”.

Giải thích về các phong trào đoàn cơ sở đơn điệu và theo thời vụ, anh Lê Hoài Nam là Bí thư Chi đoàn tổ 15, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) từ tháng 1-2017 chia sẻ: Lúc ấy chi đoàn chỉ có 3 người, gồm bí thư, phó bí thư và 1 đoàn viên. Từ đó đến nay, số lượng đoàn viên không tăng, thậm chí có thể coi là giảm vì thực tế đoàn viên nữ gần như ngừng mọi hoạt động khi lập gia đình và nghỉ thai sản. Theo quy định thì chi đoàn mỗi tháng phải sinh hoạt một lần nhưng chúng tôi không duy trì được như vậy, phải theo quý thậm chí lâu hơn. Có họp thì cũng chẳng biết bàn vấn đề gì, gặp nhau toàn nói chuyện phiếm. Khi Đoàn phường triệu tập tham gia các hoạt động hay hội nghị thì có mặt để… điểm danh

Còn đối với anh Trần Văn Hợp, ở xóm Kim Lan, xã Yên Lạc (Phú Lương) việc đảm nhận vai bí thư chi đoàn dường như nhiệm vụ bất đắc dĩ vì cơ sở hết nguồn. Đang là công nhân tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam (thuộc phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên) nên anh thuê một phòng trọ gần công ty để tiện nghỉ ngơi. Sắp xếp thời gian về thăm gia đình còn khó chứ nói gì đến tham gia phong trào đoàn. Không có điều kiện nghiên cứu kinh nghiệm, cách tổ chức các hoạt động nên Chi đoàn xóm Kim Lan chưa thu hút được đoàn viên trong xóm. Anh Hợp nói: Chúng tôi tổ chức họp mỗi quý một lần. Thú thực là nội dung các buổi sinh hoạt rất đơn điệu, chủ yếu phổ biến kế hoạch công tác của cấp trên. Nếu có thể tôi mong chuyển giao vai trò này cho người khác có điều kiện thời gian và phù hợp hơn.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 333 nghìn thanh niên. Trong đó có gần 105 nghìn đoàn viên, sinh hoạt tại 180 đoàn xã, phường, thị trấn và 137 đoàn cơ quan, đơn vị trực thuộc, với tổng số 5.811 chi đoàn (khối địa bàn dân cư có 2.972 chi đoàn). Hầu hết các cơ sở đoàn ở địa bàn dân cư được kiện toàn củng cố, các địa phương thôn, xóm đều có tổ chức đoàn; tỷ lệ tập hợp thanh niên đạt 82,56%.

(Còn nữa)

Nhóm P.V