Để giữ “lửa” cho phong trào thanh niên Kỳ 2: Làm gì để lôi cuốn đoàn viên?
Cập nhật: Thứ ba 18/06/2019 - 08:35
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên tham gia làm đường giao thông xã Yên Trạch (Phú Lương).
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên tham gia làm đường giao thông xã Yên Trạch (Phú Lương).

Không chỉ thiếu vắng nguồn nhân lực, các hoạt động đoàn ở cơ sở còn rất đơn điệu, mang tính hình thức nên không đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Khi được hỏi ý kiến, nhiều bạn trẻ cho rằng muốn họ đến với đoàn thì chính tổ chức Đoàn phải có sự lôi cuốn bằng sức hấp dẫn tự thân.

Tạo điều kiện để thanh niên lập nghiệp

Ngoài các trường hợp đi làm ăn xa, số ĐVTN còn lại ở địa phương chủ yếu tham gia sản xuất nông nghiệp hoặc làm dịch vụ nhỏ. Nhu cầu lớn nhất của họ là được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện vay vốn để lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, số người được đáp ứng nguyện vọng này chưa nhiều.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có hơn 20.000 người độ tuổi từ 16-35, trong đó chỉ có khoảng 5.000 người có mặt thường xuyên ở địa phương và tham gia các hoạt động do đoàn tổ chức. Chị Hoàng Thị Ngà, Bí thư Huyện đoàn thông tin: Huyện đoàn đã tích cực đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay ưu đãi giúp đoàn viên phát triển kinh tế. Đồng thời thực hiện các mô hình thanh niên lập nghiệp để học hỏi, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Định hướng là vậy nhưng thực tế số lượng đoàn viên được hỗ trợ, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi rất khiêm tốn. Mô hình kinh tế của anh Trần Văn Long, Bí thư Đoàn xã Điềm Mặc là một trong số ít mô hình được hỗ trợ trên địa bàn huyện Định Hóa. Vốn có “máu” kinh doanh nên sau khi lập gia đình (năm 2005), anh đã thử sức ở nhiều lĩnh vực như: Mở hiệu ảnh kỹ thuật số, chăn nuôi lợn rừng… Đến cuối năm 2017, anh chuyển sang chế tạo cơ khí. Anh cho biết: Ngoài nguồn vốn tích lũy trước đó, tôi được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120) do Trung ương Đoàn ủy thác, số tiền vay là 300 triệu đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất chỉ hơn 7%/năm. Nguồn vốn đã giúp ích rất nhiều cho tôi khi lập nghiệp, nhưng không phải ai cũng đáp ứng được điều kiện để vay vốn từ nguồn này.

Tuy chưa có cuộc khảo sát nào cụ thể, nhưng có thể khẳng định nhu cầu vay vốn của ĐVTN là rất lớn. Chị Mông Thị Tuyết Nhung, Bí thư Huyện đoàn Võ Nhai, cho biết: Trong nhiều cuộc giao ban, kiến nghị của đoàn thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đề cập đến việc tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Trong khi đó nguồn vốn vay do Đoàn Thanh niên quản lý không đáp ứng được nhu cầu, khiến dự định bám quê làm ăn, ổn định cuộc sống khó thực hiện với nhiều thanh niên nông thôn.

Anh Nguyễn Văn Thạo, Bí thư Đoàn xã Ôn Lương (Phú Lương) từng vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2012 vì thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Sau nhiều năm gặp lại, câu chuyện đầu tiên anh Thạo vẫn không quên nói với chúng tôi là nhờ có sự tiếp sức, đồng hành của tổ chức Đoàn nên anh mới có thành công. Nhận thấy nhiều người dân ở các xã mỗi lần xe máy hay máy nông nghiệp bị hỏng đều phải mang ra thị trấn Đu sửa chữa,  mất nhiều thời gian, công sức nên anh ấp ủ kế hoạch gây dựng một xưởng sửa chữa nông cụ, máy nông nghiệp, xe máy ngay tại xã Ôn Lương, ngặt một nỗi anh không có vốn. Năm 2011, trong quá trình sinh hoạt Đoàn anh được biết và mạnh dạn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng từ Chương trình 120 để đầu tư. Cửa hàng kinh doanh dịch vụ, sửa chữa nông cụ, máy nông nghiệp, xe máy do anh làm chủ đã ra đời và từng bước mang lại hiệu quả về kinh tế.

Anh Thạo phân tích: Số người may mắn như mình không nhiều bởi thủ tục vay vốn rất khắt khe. Ví dụ Chương trình 120, khi ĐVTN muốn vay phải xây dựng đề án, phương án sản xuất, kinh doanh với từng dự án cụ thể. Với Ngân hàng Chính sách Xã hội lại chủ yếu cho đối tượng hộ nghèo và cận nghèo vay, còn hỗ trợ thanh niên thì không đáng kể. Nguồn vốn này nếu được vay cũng chỉ vài chục triệu đồng nên khó phát triển kinh tế quy mô lớn. “Mong muốn của chúng tôi là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, giảm thủ tục vay, tạo điều kiện thoáng hơn. Đồng thời mở rộng diện cho vay theo hình thức tín chấp để nguồn vốn đến với thanh niên nhanh và dễ dàng hơn” - Anh Thạo nói.

 Tập hợp đoàn viên bằng mô hình phù hợp

Khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao nên việc thanh niên đi làm ăn xa, tìm đến các khu công nghiệp để có thu nhập ổn định là thực tế không tránh khỏi. Bài toán đặt ra là với lực lượng cố hữu còn lại ở địa phương, làm sao để khắc phục tình trạng hình thức, đơn điệu trong các phong trào, lôi cuốn đoàn viên bằng các mô hình phù hợp.

Đoàn xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) là một ví dụ điển hình khi có nhiều ĐVTN đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn. Bí thư Đoàn xã Nguyễn Hồng Kiên thông tin: Xã có khoảng 500 người trong độ tuổi đoàn nhưng rất ít người ở nhà, phần lớn đi làm trong Nhà máy Samsung và các công ty phụ cận. Họ chỉ được nghỉ vào buổi tối hoặc dịp cuối tuần, do vậy, muốn tập hợp được họ thì phải tổ chức sinh hoạt vào ngày nghỉ hoặc buổi tối; lựa chọn, động viên một số cá nhân làm nòng cốt. Ngoài các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ do cấp trên phát động; cổ vũ tham gia hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện, xây dựng nông thôn mới, Đoàn xã Hồng Tiến còn xây dựng các hoạt động dựa trên khả năng và nguyện vọng của đoàn viên. Mấy năm trở lại đây, năm nào Hồng Tiến cũng tổ chức cắm trại hoặc giao lưu văn nghệ vào dịp Quốc khánh 2-9, thu hút đông đảo đoàn viên và thiếu nhi tham gia. “Chúng tôi không cứng nhắc yêu cầu các chi đoàn sinh hoạt về mặt thời gian, chỉ lưu ý việc xây dựng chủ đề và nội dung sao cho phù hợp, có khi chỉ cần 30 phút cho một buổi sinh hoạt chi đoàn nhưng đủ nội dung và hiệu quả là được” - Anh Kiên nói.

Đối với Đoàn xã Tràng Xã (Võ Nhai), mặc dù đặc thù vùng miền núi, điều kiện giao thông ở một số xóm còn cách trở nhưng lại là điểm sáng trong việc vận động, thu hút đoàn viên tham gia các phong trào. Bí quyết của đơn vị này là không đơn thuần dừng lại ở các hoạt động hoạt động bề nổi mà gắn kết đoàn viên bằng các mô hình, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế. Điều này đáp ứng đúng mong mỏi của phần đông ĐVTN. Cụ thể, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tổ chức nhiều chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất trong và ngoài huyện như: Sản xuất rau - củ - quả công nghệ cao tại T.P Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ; củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ được vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách - Xã hội do Đoàn quản lý đã lên trên 10 tỷ đồng.

Thành công phong trào đoàn ở Tràng Xã còn có dấu ấn quan trọng của người đứng đầu. Anh Hoàng Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn xã được đánh giá là cán bộ có năng lực, nhiệt huyết và đam mê với công việc. Các phong trào đoàn thường xuyên được đổi mới nội dung, hình thứ sinh hoạt cho phù hợp với tâm lý, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên; vận dụng hiệu quả yếu tố tích cực từ mạng xã hội, coi đây là một trong những kênh thông tin hiệu quả để đoàn kết, tập hợp thanh niên. Đây có thể coi là kinh nghiệm quý để các sở sở đoàn khác trong tỉnh nghiên cứu và học hỏi.

ĐTVN ở đâu và thời đại nào cũng có nhu cầu, khát khao sống đẹp và lý tưởng sống. Tổ chức được những hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc thù từng địa phương thì chắc chắn sẽ thu hút được đoàn viên tham gia tích cực. Khi họ được học hỏi và cống hiến, được rèn luyện kỹ năng sống thì tham gia phong trào đoàn sẽ chắc chắn sẽ trở thành nhu cầu tự thân của mỗi ĐVTN.   

Nhóm P.V