Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 137 mỏ khai thác khoáng sản các loại, trong đó có 34 mỏ đá. Theo quy định các doanh nghiệp phải đóng tiền cấp quyền KTKS theo trữ lượng địa chất bao gồm cà trữ lượng được phép khai thác và trữ lượng không được phép khai thác. Việc nộp tiền cấp quyền KTKS có ảnh hưởng chủ yếu đến các DN khai thác đá, bởi lẽ, các mỏ đá thường có trữ lượng địa chất lớn nên số tiền cấp quyền KTKS phải nộp rất cao.
Qua thực tế tại Công ty CP Khai khoáng miền núi, đơn vị có 2 mỏ đá đang tiến hành khai thác là Mỏ đá Núi Chuông (Phú Lương) và Mỏ đá Cát Kết (Đại Từ), chúng tôi được biết, mặc dù trữ lượng được cấp phép khai thác của hai mỏ này là khoảng 11,6 triệu m3 nhưng DN phải đóng tiền cấp quyền KTKS theo tổng trữ lượng địa chất là trên 52 triệu m3. Từ tháng 1-2014, thực hiện theo Nghị định số 203, ngoài thuế tài nguyên, phí môi trường thì Công ty phải đóng tiền cấp quyền KTKS theo trữ lượng địa chất, tương đương hơn 201,4 tỷ đồng. Tức là, bên cạnh đóng tiền cấp quyền cho trữ lượng được phép khai thác là 11,6 triệu m3, công ty sẽ đóng thêm cả trữ lượng không được phép khai thác là hơn 40,4 triệu m3.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Nghĩa, Giám đốc Công ty cho biết: Do nộp tiền cấp quyền cả phần trữ lượng không được phép khai thác nên DN gặp không ít khó khăn, thu không đủ chi, đời sống người lao động bị ảnh hưởng. Năm 2018, doanh thu tại 2 mỏ trên đạt gần 18,4 tỷ đồng, nhưng số thuế, phí phải đóng đã lên tới 11,6 tỷ đồng. Trong đó, tiền cấp quyền KTKS phải nộp đã là trên 8,7 tỷ đồng, chiếm tới 47,3% doanh thu.
Là chủ DN khai thác đá nhiều năm nay, ông Kiều Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hải Bình chia sẻ: Hiện, công ty đang được cấp phép KTKS tại Mỏ đá Lân Đăm II, trên địa bàn xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) với trữ lượng địa chất gần 9,9 triệu m3. Theo giấy phép KTKS, DN chỉ được khai thác với công suất 40 nghìn m3/năm, tương đương với 1,2 triệu m3 trong 30 năm (tính từ năm 2011), số tiền cấp quyền KTKS phải nộp là hơn 39 tỷ đồng. Chúng tôi đang có dự định sẽ trả lại 50% trữ lượng địa chất của mỏ. Với công suất khai thác hiện nay của Công ty thì không thể khai thác hết trữ lượng trong thời gian được cấp phép. Trước thực tế đó, mấy năm gần đây, Công ty liên tục có văn bản xin ý kiến của các ngành chuyên môn, tỉnh để đề nghị Chính phủ có phương án tháo gỡ khó khăn cho các DN khai thác đá.
Được biết, hiện nay có 11/34 chủ mỏ đá vôi, đá cát kết trên địa bàn tỉnh đang đề nghị tiếp tục khai thác với trữ lượng chỉ chiếm từ 5-36% trong tổng trữ lượng địa chất và trả lại hơn 50% tổng trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt của mỏ để điều chỉnh Giấy phép khai thác. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Hiện, Sở đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của DN và tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn thực hiện một số nội dung về việc không thu tiền cấp quyền KTKS (gồm cả tiền chậm nộp) đối với những mỏ chưa khai thác, khoáng sản vẫn còn nguyên trạng trong lòng đất; không thu tiền cấp quyền KTKS (gồm cả tiền chậm nộp nếu có) đối với phần trữ lượng chưa khai thác của những mỏ đã đóng cửa; cho phép DN lập hồ sơ điều chỉnh, trả lại hơn 50% tổng trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt để điều chỉnh giấy phép khai thác, làm cơ sở điều chỉnh tiền cấp quyền KTKS…
Như vậy, những ý kiến đề xuất của DN khai thác đá trên địa bàn đã được tỉnh ghi nhận và phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong khi chờ văn bản trả lời và hướng dẫn cụ thể từ Bộ chủ quản, các DN khai thác đá trên địa bàn vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Chính phủ về KTKS và nộp tiền cấp quyền KTKS. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi có hoạt động khai thác đá cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng KTKS trái phép, hoặc DN chưa nộp tiền cấp quyền nhưng vẫn tiến hành khai thác làm thất thoát ngân sách Nhà nước…