Cập nhật: Thứ sáu 26/07/2019 - 08:22
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương.

Theo nhận định của đại diện các ngành chức năng, năm nay, mục tiêu tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn tỉnh không dễ hoàn thành. Tuy nhiên, Thái Nguyên vẫn quyết tâm giữ nguyên mục tiêu đề ra trong lĩnh vực này; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp cụ thể, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kết thúc quý II/2019, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) trên địa bàn tỉnh ước đạt 342.700 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ đạt 46,1% kế hoạch năm nay. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng công nghiệp cả năm đạt 11% thì trong 6 tháng cuối năm, GTSXCN phải đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng 17% so với 6 tháng đầu năm. Theo nhận định của đại diện các ngành chức năng, đây là nhiệm vụ khá nặng nề và không dễ hoàn thành.

Sở dĩ trong 6 tháng đầu năm nay, GTSXCN trên địa bàn tỉnh còn đạt thấp là do công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 91% trong tổng GTSXCN) mới đạt 45,7% kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng tăng trưởng chậm hoặc chững lại, cụ thể như: Máy tính bảng đạt 9,6 triệu sản phẩm, bằng 37,4% kế hoạch năm, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước; tai nghe điện thoại đạt 18,1 triệu sản phẩm, bằng 17,6% kế hoạch năm, giảm 24,9% so với cùng kỳ… Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm điện thoại thông minh của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (viết tắt là Công ty Samsung) có sự thay đổi theo hướng giảm nhóm điện thoại có giá trị cao (trên 6 triệu đồng/sản phẩm) và tập trung sản xuất nhóm sản phẩm điện thoại có giá trị thấp (dưới 3 triệu đồng/sản phẩm) hoặc trung bình (từ 3-6 triệu đồng/sản phẩm).

Từ sự tăng trưởng chững lại của Công ty Samsung cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN FDI phụ trợ cho Samsung và một số DN nội địa tham gia sản xuất, kinh doanh điện, nước… Theo ông Đặng Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh doanh điện năng (Công ty Điện lực Thái Nguyên): Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng điện thương phẩm của Công ty chỉ tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước và đạt 45,6% kế hoạch năm. Nguyên nhân chính là do sản lượng điện tiêu thụ tại Khu công nghiệp Yên Bình (trong đó có Công ty Samsung và các nhà máy phụ trợ cho Samsung) sụt giảm tới 6,83% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực khác trên địa bàn tỉnh như sắt thép, xi măng, kim loại đen… cũng giảm sản lượng hoặc gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, cụ thể như: sắt thép các loại đạt 685.000 tấn (bằng 43% kế hoạch năm, giảm 7,6% so với cùng kỳ); nước máy thương phẩm đạt 14,9 triệu m3 (bằng 42,7% kế hoạch năm, giảm 10,9% so với cùng kỳ); vonfram và sản phẩm của vonfram đạt 8.000 tấn (bằng 40,5% kế hoạch năm, giảm 11,9% so với cùng kỳ)… Ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng phòng Thị trường (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) cho biết: Hiện nay, việc tiêu thụ thép của Công ty gặp nhiều khó khăn, bởi ngoài lý do thị trường thép xây dựng đang bị bão hòa thì còn có sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán giữa các đơn vị sản xuất thép. Chính vì vậy, Công ty phải sản xuất cầm chừng để giảm lượng thép tồn kho.

Tuy vậy, cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có một điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đó là công nghiệp nội địa. Trong đó, đáng chú ý là công nghiệp địa phương đạt GTSX 13.800 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; còn công nghiệp Nhà nước Trung ương đạt GTSX 10.200 tỷ đồng, bằng 56,3% kế hoạch năm và tăng 10% so với cùng kỳ. Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh đánh giá: Khác với bức tranh tăng trưởng “ảm đạm” của khu vực công nghiệp FDI, những tháng đầu năm nay, khu vực công nghiệp nội địa tiếp tục khởi sắc, nhất là khu vực công nghiệp địa phương. Nguyên nhân là do có nhiều nhóm sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao (như may mặc, kim loại màu), cùng với đó là có nhiều dự án công nghiệp được đầu tư mới, mở rộng và bắt đầu đi vào hoạt động, như Nhà máy chế biến sâu khoáng sản của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ), Nhà máy Luyện xỉ của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi (tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương), Nhà máy sản xuất phôi thép, thép hình Hiệp Linh tại Khu công nghiệp Sông Công I…

Cũng theo nhận định của ông La Hồng Ninh, từ nay đến cuối năm, các sản phẩm công nghiệp địa phương sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao do sự biến động của thị trường thế giới theo chiều hướng có lợi cho các DN Việt Nam, cùng với đó là việc thực hiện lộ trình cổ phần hóa các DN Nhà nước Trung ương trên địa bàn sẽ góp phần hoàn thành chỉ tiêu về GTSXCN địa phương. Tuy nhiên, đối với mục tiêu tăng trưởng toàn ngành Công nghiệp đạt 11% trong năm nay thì sẽ không dễ hoàn thành, bởi dự kiến năng lực tăng thêm của ngành là không nhiều và không lớn. Cụ thể, theo tổng hợp, toàn tỉnh sẽ có thêm khoảng 10 dự án mới đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm, tuy nhiên các dự án chủ yếu là của DN địa phương nên rất khó bù đắp được mức tăng trưởng sụt giảm của khu vực công nghiệp FDI…

Trước những khó khăn này, tháng 6 vừa qua, Sở Công Thương đã tham mưu với tỉnh về việc xem xét, điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp năm nay cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã thống nhất giữ nguyên chỉ tiêu này và yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết tâm hoàn thành kế hoạch. Để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, cùng với các giải pháp chung của ngành, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp như: Xem xét, bố trí ứng vốn cho các đơn vị sự nghiệp, các địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp, đồng thời khuyến khích các DN có năng lực đầu tư hạ tầng vào cụm công nghiệp nhằm tạo đột phát trong thu hút thêm các dự án mới; xem xét, phê duyệt mức hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ; tiếp tục triển khai, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp… Cùng với đó, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, ngành Công Thương mong muốn các ngành, đơn vị liên quan (như Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh…) và các địa phương tích cực phối hợp hơn nữa trong việc tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng các DN trong quá trình mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư thực hiện các dự án (nhất là về những vấn đề liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính); tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với DN để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó có biện pháp tháo gỡ kịp thời…

Hy vọng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, bằng những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, Thái Nguyên sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đề ra năm nay.

Hồng Hà - Hoàng Cường