Cập nhật: Thứ hai 29/07/2019 - 16:14
Người nghiện có hành vi tổ chức lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì nên xử lý hình sự - Ảnh minh họa.
Người nghiện có hành vi tổ chức lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì nên xử lý hình sự - Ảnh minh họa.

Nước ta đã tham gia 3 Công ước của LHQ về kiểm soát ma túy, đã bỏ việc xử lý hình sự với người nghiện. Đến nay, trước tình hình ma túy phức tạp, có nên xử lý hình sự người nghiện và nếu áp dụng thì đối tượng nào sẽ bị xử lý?

Nhìn nhận về người bệnh đặc biệt

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa nghiện ma túy là một loại bệnh tâm thần đặc biệt. Theo đó, những năm gần đây, trong đổi mới công tác cai nghiện, chúng ta đã thực hiện một hệ thống giải pháp về y tế, tâm lý và xã hội để điều trị, cai nghiện giúp họ hồi phục, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trong vấn đề quản lý người nghiện nói chung có nên coi họ là "người bệnh" đơn thuần, chỉ áp dụng các biện pháp điều trị, cai nghiện, bất luận họ có hành vi thế nào với xã hội? Điều này cần phải tiếp tục làm rõ để hoàn thiện quan điểm, giải pháp, nếu không tình hình sẽ phức tạp hơn. Cũng nói thêm, nhiều quốc gia đến nay vẫn không coi họ là "người bệnh" mà vẫn là…người nghiện.

Người nghiện phần lớn là tự nguyện đến với ma túy, tìm đến khoái lạc, bỏ mặc cảnh báo của xã hội nhưng đồng thời là công dân, là thành viên trong xã hội với nhiều mối quan hệ được điều chỉnh bằng các chuẩn mực xã hội, các quy định của luật pháp. Nói người nghiện là người bệnh là nói về tình trạng bệnh lý y học chứ không phải nói về toàn bộ vấn đề liên quan đến vấn đề nghiện ma túy của họ. Khác với những bệnh nhân tâm thần, nhiều người nghiện có nhiều hành vi tiêu cực như: Tụ tập, rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng ma túy dẫn đến tăng nhanh số lượng người nghiện; trốn tránh, bất hợp tác cai nghiện; cờ bạc, nói dối, đánh chửi bố mẹ, vợ con, nhiễm thói hư, tật xấu cho những người gần gũi; tổn thương sức khỏe, tính mạng người khác, gây thương tích, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản nhà nước, phá rối trật tự công cộng, trộm cắp, lừa đảo, buôn bán ma túy, tiếp tay, bảo kê cho mại dâm, làm lây truyền HIV…

Có ý kiến cho rằng, các hành vi vừa nêu là hệ quả của "bệnh nghiện". Điều trị, cai nghiện dừng sử dụng ma túy thì lập tức các hành vi ấy sẽ biến mất, "giúp đỡ hơn trừng phạt". Nhưng thực tế đã chứng minh không phải người nghiện nào, lúc nào các hành vi ấy cũng xảy ra trong trạng thái "vô thức" của người tâm thần, ngược lại, có chủ ý, thậm chí có âm mưu, có kế hoạch, có tổ chức; không phải người nghiện nào cũng muốn tiếp cận chương trình điều trị bằng "y tế, tâm lý, xã hội" và không phải ai tiếp cận các chương trình điều trị ấy cũng bỏ được các hành vi nguy hiểm nói trên.

Nghiện là một bệnh, cai nghiện là chữa bệnh, ai cũng được cai nghiện. Trong quản lý người nghiện ma túy, không thể chỉ là điều trị, cai nghiện mà phải dùng mọi biện pháp giáo dục, răn đe, trấn áp, xử lý tương ứng với hành vi của họ và hậu quả gây ra cho xã hội. Trong khi đó, người nghiện hiện nay chỉ bị xử lý hình sự khi có những hành vi phạm tội như những đối tượng hình sự khác, còn những hành vi lặp đi lặp lại tuy không nằm trong các khung hình sự nhưng ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội thì không bị xử lý khiến cho tình hình nghiện ngày càng phức tạp.

Mỗi năm, nước ta có thêm hàng nghìn thanh thiếu niên dấn thân, tự tàn phá cuộc đời từ ma túy, hàng nghìn gia đình lâm vào bế tắc, khổ đau. Nhân đạo, nhân văn với người nghiện không có nghĩa là không làm gì khác ngay cả những hành vi đó ảnh hưởng lớn đến xã hội trong thời điểm các biện pháp vận động, tuyên truyền, cai nghiện không áp dụng được. Bảo đảm quyền con người ở một quốc gia không gì hơn là bảo đảm cho quảng đại công dân được quyền sống an bình, mưu cầu hạnh phúc, không nơm nớp sợ hãi hành vi của người nghiện, lo lắng con cháu mắc vào tệ nạn xã hội.

Đã xảy ra nhiều trường hợp, người nghiện cho rằng mình là người bệnh, không ai được động đến, đã chửi bới, tấn công tập thể lại lực lượng chức năng, phá hoại tài sản Nhà nước. Còn lực lượng chức năng cũng lúng túng xử lý, lo "vi phạm nhân quyền", thiếu kiên quyết thực hiện các biện pháp trấn áp cần thiết.

Đề xuất mục tiêu, đối tượng xử lý hình sự

Nếu thông qua việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền giáo dục, triệt nguồn cung ma túy, cai nghiện, giải quyết tốt các vấn đề xã hội sau cai, điều trị thay thế… mà quản lý chặt chẽ, không tăng số người nghiện mới, không để tính chất nghiện phức tạp… thì rõ ràng không cần xử lý hình sự với người nghiện. Trong thực tế, rất khó đạt được điều đó do đặc trưng tính cách, hành vi của người nghiện và nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Do đó, xem xét xử lý hình sự đối một số hành vi của người nghiện kết hợp với các biện pháp hành chính, y tế, tâm lý, xã hội trong từng giai đoạn là cần thiết.

Điều 199 trong Chương các tội phạm về ma túy của Bộ luật Hình sự năm 1999 có nội dung: “1. Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm; 2. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”.

Tuy nhiên, nếu chúng ta "khôi phục" quy định này sẽ không còn phù hợp. Xử lý hình sự "bệnh nghiện" là không khoa học, không phù hợp với các cam kết quốc tế mà nước ta tham gia và xu hướng đổi mới công tác lập pháp. Tái nghiện là vấn đề thường xuyên xảy ra, có khi không phụ thuộc vào chủ quan của người cai nghiện. Điều trị là quá trình lâu dài không thể tính số lần cai, có khi phải cai suốt đời nên không thể bị xử lý hình sự. Trại giam cũng không phải nơi chuyên thực hiện công tác cai nghiện để ra tù họ không tái nghiện. Khía cạnh khác, cũng sẽ không đủ nhân lực để thực hiện các hoạt động tố tụng, xét xử người tái nghiện, không đủ trại giam để giam giữ họ.

Do vậy, nếu áp dụng xử lý hình sự sẽ là xử lý hành vi của người nghiện. Mục tiêu chung của xử lý hình sự phải chăng là góp phần làm giảm tình hình ma túy phức tạp hiện nay, đặc biệt là giảm tốc độ tăng người nghiện mới và sự phức tạp do các hành vi do người nghiện gây ra cho xã hội. Mục tiêu cụ thể là góp phần răn đe, ngăn chặn việc tăng số người nghiện mới, làm cho người đã mắc nghiện phải có trách nhiệm tập trung chấp hành việc cai nghiện, giảm thiểu các hành vi tổn hại cho cộng đồng.

Để thực hiện mục tiêu răn đe và ngăn chặn, những đối tượng nghiện có hành vi sau đây có thể xem xét xử lý hình sự:

1. Người nghiện ma túy không tự giác khai báo và cam kết thực hiện một chương trình cai nghiện bị phát hiện khi có hành vi vi phạm an ninh trật tự xã hội hoặc làm tổn thương sức khỏe, tinh thần người khác (dù chưa đến mức độ xử lý hình sự như quy định hiện nay).

Đây là biện pháp răn đe quan trọng. Thời gian qua, hàng chục, hàng trăm thanh thiếu niên bị phát hiện dương tính với ma túy chỉ qua 1 cuộc kiểm tra đột xuất của công an tại quán bar, vũ trường, điểm karaoke nhưng chỉ bị xử phạt hành chính, trả về gia đình, địa phương rồi tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, tiếp tục dấn thân vào hành vi sai trái. Hơn nữa, lâu nay, chúng ta không thể thống kê chính xác số người nghiện ma túy vì rất ít người nghiện và gia đình tự giác khai báo. Chúng ta không thể mãi bằng lòng với câu trong các báo cáo "thực tế người nghiện có thể còn cao hơn nhiều". Việc phát hiện người nghiện không dễ dàng khi cuộc sống càng phát triển, mỗi gia đình, mỗi cá nhân trong cộng đồng ngày càng được tôn trọng, khó có thể dùng các biện pháp hành chính để tiếp cận, phát hiện nghiện ma túy. Không nắm được người nghiện thì không thể quản lý, theo dõi diễn biến (kể cả mua bán, tổ chức sử dụng ma túy), không thể có một chương trình kế hoạch phòng chống ma túy sát hợp, triển khai có hiệu quả. Như vậy, người nghiện có hai sự lựa chọn: Hoặc tự giác khai báo và cai nghiện hoặc vào tù, đồng thời, cũng răn đe những người sắp hoăc mới tụ tập sử dụng ma túy suy nghĩ điều chỉnh hành vi của mình.

2. Người nghiện có hành vi tổ chức lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

3. Người nghiện đã được Tòa án quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc mà trốn tránh không chấp hành.

4. Người nghiện đang chấp hành Quyết định cai nghiện bắt buộc mà bỏ trốn hoặc có hành vi chống lại người thi hành công vụ, gây rối an ninh trật tự, phá hoại tài sản của cá nhân và Nhà nước tại cơ sở cai nghiện.

Xử lý như vậy, không "hình sự hóa", không kỳ thị người nghiện, chỉ xử lý hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng giúp cho việc quản lý người nghiện trong xã hội và cai nghiện phục hồi tốt hơn, không phải là bước thụt lùi về chính sách. Chúng ta đang thực hiện nghiêm túc các công ước về kiểm soát ma túy và các công ước quốc tế về nhân quyền, quyền của người nghiện ma túy, quyền được chăm sóc y tế, tôn trọng nhân phẩm, quyền phụ nữ, trẻ em.

Lấy ví dụ, Singapo là nước phát triển nhưng cơ sở cai nghiện nằm trong hệ thống nhà tù của nước này. Việc cai nghiện, giáo dục rất nghiêm khắc. Tái nghiện bị coi là tội phạm. Đến nay, người nghiện các loại ma túy đều giảm. Tại Thái Lan, công tác cai nghiện được Chính phủ quan tâm, tổ chức bài bản và có nhiều kinh nghiệm. Cai nghiện theo 3 hình thức là điều trị tự nguyện, bắt buộc và phạm tội. Hình thức phạm tội áp dụng trong trường hợp đối tượng bị bắt giữ như hình thức cai nghiện bắt buộc lại phạm thêm tội nào đó như trộm cắp… Hình thức tội phạm do các cơ sở giáo dưỡng, nhà tù là nơi quản lý và điều trị cho họ.

Đến khi đất nước phát triển, nhận thức chung của xã hội được nâng cao, tất cả đều thượng tôn pháp luật, tình hình ma túy không còn nhức nhối thì có thể hoàn toàn bỏ xử lý hình sự với người nghiện.

Đổi mới và kết hợp nhiều giải pháp

Chỉ riêng xử lý hình sự không thể làm giảm tình hình ma túy phức tạp mà cần phải có chuyển biến căn bản và kết hợp chặt chẽ giữa công tác giảm cung, giảm cầu, giảm hại. Chẳng hạn, chúng ta đã phá được nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy lớn nhưng hệ thống bán lẻ ma túy cho người nghiện vẫn tồn tại, đủ cung cấp cho hơn 200 nghìn người nghiện. Hệ thống bán lẻ này như vòi bạch tuộc quấn quanh, siết chặt toàn bộ người nghiện. Người nghiện không thể hàng ngày, vài ngày đi xa vài chục cây số để mua ma túy sử dụng. Họ dễ dàng mua ma túy tại cơ sở quen biết, gần nhất. Lẽ nào chính quyền, các lực lượng chức năng mạnh mẽ ở cơ sở, các đoàn thể xã hội tham gia, phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm lại không bóc gỡ được các điểm ma túy này. Vấn đề là chính quyền có quan tâm, quyết tâm làm hay không.

Chúng ta có thể thấy công tác tuyên truyền phòng chống ma túy không có nhiều đổi mới đặc biệt là cho thanh thiếu niên. Một chương trình dự phòng nghiện (đã thành công tại nhiều quốc gia) nếu được gấp rút triển khai bài bản sẽ hạn chế đáng kể "đầu vào" của người mắc nghiện.

Cần tiến hành một loạt công việc tạo môi trường thuận tiện, thân thiện, tin tưởng để người nghiện tự giác khai báo việc nghiện của mình. Đồng thời, tổ chức mạng lưới cai nghiện với nhiều hình thức, biện pháp luôn sẵn sàng, tiện ích, chất lượng với mọi người đến cai nghiện. Tổ chức cai nghiện trong trại giam, có kế hoạch tiếp nối cai nghiện, tư vấn, hỗ trợ cho những người sau khi đã chấp hành án tù trở về.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phòng chống ma túy đến năm 2020 (Quyết định 424/QĐ-TTg) với rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp toàn diện, sâu sắc về phòng chống ma túy. Nếu mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cá nhân được phân công nhiệm vụ đều tâm huyết nghiêm túc thực hiện tốt Quyết định, chắc chắn sẽ làm giảm cơ bản sự phức tạp của tình hình ma túy. Lúc đó, chẳng hạn, nếu xử lý hình sự người nghiện theo đề xuất như bài viết này thì số lượng cũng sẽ rất hạn chế.

T.H
Sưu tầm