Người gần trọn cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn lịch sử - thầy giáo Nguyễn Xuân Minh (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) khi nói về bản Di chúc đã rất xúc động: Tinh thần thẳm sâu trong Di chúc là Người khẳng định truyền thống đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và “cần giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác yêu cầu “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Người cũng nhấn mạnh, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ - những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Nhân dân lao động bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân; nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân…
Kể từ sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc để trở về Hà Nội (năm 1954) cho đến khi cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần trở lại thăm hỏi, động viên nhân dân, chỉ đạo Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Lần cuối cùng, ngày 1-1-1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... 45 nghìn đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi được Bác Hồ chúc mừng năm mới và nói chuyện tại sân vận động thành phố Thái Nguyên trong ngày đầu năm. Người nói: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang; nhất là cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải làm như vậy…Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hoá, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Thực hiện lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị đề ra. Kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững; đời sống của nhân dân ngày một cải thiện, nâng cao. Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sau này là Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Học tập và làm theo Bác đã trở thành thường xuyên, thành thói quen, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhiều người dân. Đặc biệt, học tập và làm theo Bác cùng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định của Trung ương về nêu gương đã góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân đã được quan tâm giải quyết kịp thời; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm sáng tạo, nhiều hành động, việc làm có ý nghĩa thiết thực, đã xuất hiện điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đưa vào sinh hoạt thường kỳ làm cho sinh hoạt của chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có nội dung thiết thực, cụ thể. Tiêu biểu như:
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn duy trì 2 chuyên mục “Theo dấu chân Bác” và “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên Trang thông tin điện tử Tỉnh đoàn, đăng tải những câu chuyện hay về Bác và những tấm gương tiêu biểu về nghị lực sống, học tập và làm việc để đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh học tập, noi theo. Trong sâu thẳm tình cảm, suy nghĩ của hầu hết mọi người, khi đọc, nghe, xem một câu chuyện hay, một cử chỉ đẹp, một hành động nghĩa hiệp được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ai nấy đều thấy hài lòng, phấn khích, cảm động trước những thông tin nhân văn như vậy. Đối với thiếu niên, thanh niên, nếu thường xuyên được tiếp cận, hấp thụ những thông tin về người tốt, việc tốt sẽ góp phần hình thành, xây dựng thái độ, suy nghĩ, hành động tích cực cho các em. Đây là một trong những nội dung trong hành trình “Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác”.
Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đã chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh triển khai thực hiện dạy tích hợp nội dung trong bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12; các trường học đã mua tài liệu với trên 15.000 cuốn sử dụng trong các hoạt động dạy, học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Một số đơn vị trường học đã triển khai cho mỗi học sinh lập cuốn Sổ tay học tập và làm theo Bác; hằng tháng đều có đánh giá trong các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, thường xuyên.
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội duy trì hoạt động 36 mô hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với nhiều tên gọi khác nhau như: Câu lạc bộ “Tương thân, tương ái” tại Chi hội Phụ nữ tổ 2 (thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ); mô hình “Học tập và làm theo gương Bác” tại Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 3 (phường Lương Sơn, T.P Sông Công); mô hình “Mua cổ phiếu tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế” (xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên); mô hình “Chi hội phụ nữ thực hiện tiết kiệm từ việc thu gom rác thải tái chế” (phường Quang Trung, Túc Duyên, T.P Thái Nguyên).
Khối các cơ quan báo chí của tỉnh như Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Văn nghệ duy trì chuyên trang, chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với đăng tải, phát sóng nhiều bài viết, phóng sự tuyên truyền, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình tốt, cách làm hay trong học tập và làm theo Bác…
50 năm trôi qua nhưng bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại vẫn vẹn nguyên giá trị. Di chúc của Bác chỉ khoảng 1.000 từ nhưng từng câu, từng chữ đều thấm đẫm tình yêu thương mà Bác dành cho đất nước, cho nhân dân. Và thật xúc động khi có đoạn Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.” Thực hiện lời dạy của Bác trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững.