Cập nhật: Thứ ba 06/08/2019 - 09:42
Ông Trương Bá Hiền, Chủ tịch Hội CCB xã Phúc Hà, T.P Thái Nguyên (ngoài cùng bên trái) trao đổi cùng hội viên CCB kinh nghiệm trồng cây cảnh.
Ông Trương Bá Hiền, Chủ tịch Hội CCB xã Phúc Hà, T.P Thái Nguyên (ngoài cùng bên trái) trao đổi cùng hội viên CCB kinh nghiệm trồng cây cảnh.

Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) có14 chi hội, 311 hội viên. Những năm qua, việc CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu đã trở thành một phong trào trong toàn Hội, được hầu hết cán bộ, hội viên hưởng ứng tích cực. Thông qua sự quan tâm của Hội và sự chia sẻ, giúp đỡ của hội viên, nhiều gia đình CCB được tiếp sức về vốn đầu tư, kinh nghiệm phát triển sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Bá Hiền, Chủ tịch Hội CCB xã chia sẻ: Trước các phong trào, Hội CCB xã luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, gương mẫu trước nhân dân, đóng góp công sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Hội có nhiều giải pháp chỉ đạo, giúp đỡ, định hướng cho hội viên đa dạng hoá các mô hình sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.

Để phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế có hiệu quả, nhiều năm nay, Hội phối hợp với các ngành, đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ để cùng tổ chức lớp tập huấn, mời cán bộ chuyên môn của Thành phố về truyền đạt kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho cán bộ, hội viên. Trong 5 năm gần đây, đã có hơn 120 lượt hội viên CCB tham gia các lớp tập huấn này. Ông Nguyễn Xuân Báo, Phó Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Để hội viên dễ dàng tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất mới, hằng năm, Hội tổ chức cho CCB đến các xã lân cận là Tân Cương, Phúc Trìu, Quyết Thắng… tham quan mô hình và trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ, như các mô hình trồng, chế biến chè; chăn nuôi lợn, nuôi ong và dịch vụ kinh doanh. Ngoài ra, Hội còn tổ chức cho hội viên đến các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Quảng Ninh… tham quan những mô hình kinh tế trang trại, mô hình kinh tế hợp tác xã điển hình để học tập kinh nghiệm. Qua hoạt động này đã giúp hội viên nâng cao kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong phát triển kinh tế hộ, với nhiều hội viên CCB thì khó khăn nhất là thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất và thiếu sức lao động. Hội CCB xã khắc phục khó khăn này bằng cách vận động hội viên tham gia đóng góp chân quỹ, xây dựng quỹ chi hội, tạo nguồn vốn tại chỗ để giải quyết cho hội viên vay kịp thời. Đến nay, chân quỹ hội đạt trung bình 300.000 đồng/hội viên. Cá biệt ở Chi hội CCB số 3, có chân Quỹ đạt bình quân 3,9 triệu đồng/hội viên. Từ nguồn tiền quỹ, nhiều hội viên CCB được vay kịp thời để mua thức ăn phục vụ phát triển chăn nuôi; mua giống cây trồng, phân bón để sản xuất kịp thời vụ. CCB Nguyễn Văn Thuyết, hội viên Chi hội CCB số 3, được vay 7 triệu đồng từ nguồn Quỹ của Chi hội làm vốn mở dịch vụ ăn uống. Sau gần 3 năm, gia đình ông thoát nghèo. Hơn thế, ngoài trả đủ vốn cho Chi hội, gia đình ông Thuyết còn có vốn riêng để mở rộng cơ sở dịch vụ của mình.

Trong làm giàu, mỗi CCB lại có một cách làm riêng, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như CCB Nguyễn Văn Bảo, Chi hội CCB số 7. Từ diện tích đất hơn 1.000 m2, năm 2014, ông đầu tư vốn xây dựng gia trại chăn nuôi gia cầm, duy trì tổng đàn 5.000 con/lứa, đạt tổng thu nhập (đã trừ chi phí đầu tư) hơn 100 triệu đồng/năm; CCB Từ Duy Hường, Chi hội CCB 14a lại chọn hướng làm kinh tế cho gia đình bằng việc kinh doanh vật liệu xây dựng và san ủi mặt bằng. Ông cho biết: Hiện, gia đình có 4,5 tỷ đồng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Doanh số bình quân đạt 300 triệu đồng/năm; lợi nhuận sau đầu tư đạt 120 triệu đồng/năm… Được biết, cơ sở sản xuất, kinh doanh của gia đình CCB Từ Duy Hường giải quyết được việc làm cho gần 30 lao động địa phương, với mức lương từ 4 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng. Còn với CCB Nguyễn Đức Cường, Chi hội CCB số 8, làm nhiều dịch vụ khác nhau, như: Bán phân bón, vật tư nông nghiệp; bán hàng tạp hoá; kinh doanh bể bơi và ẩm thực, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho từ 5 đến 7 lao động địa phương. Mỗi năm gia đình ông đạt tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng đã trừ chi phí.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, Hội tập trung vận động hội viên đầu tư vào phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng liên doanh, liên kết, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay. Hội khuyến khích CCB là chủ các mô hình kinh tế sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho hội viên CCB và con em CCB trong vùng, phấn đấu trên địa bàn xã Phúc Hà ngày càng có nhiều gia đình hội viên CCB đạt thu nhập cao. Ông Trương Bá Hiền cho biết thêm: Qua phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, trong Hội đã xuất hiện nhiều mô hình hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi. Số gia đình hội viên CCB nghèo giảm từ 6 hộ nghèo (năm 2014) xuống còn 1 hộ nghèo (năm 2019).

Phạm Ngọc Chuẩn