Cập nhật: Thứ năm 15/08/2019 - 06:20
 Ngành chức năng đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi Dự án Khu du lịch sinh thái Nam hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng.
Ngành chức năng đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi Dự án Khu du lịch sinh thái Nam hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh sớm hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch ngay trong năm 2019 để triển khai các công đoạn đầu tư tiếp theo. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra là có nhiều dự án của các thành phần kinh tế đề nghị đầu tư vào Khu du lịch này nhưng chậm triển khai do khó khăn về tài chính hoặc phạm vi đề nghị đầu tư quá rộng dẫn tới tình trạng chồng lấn dự án, vướng mắc thủ tục khi thu hút các dự án mới có quy mô lớn…

Qua rà soát của các ngành chức năng, trong Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc hiện có 23 dự án được cấp phép đầu tư hoặc có chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền. Trong đó, 17 dự án đã được cấp có thẩm cấp phép đầu tư nhưng mới có 05 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, gồm: Dự án Đoàn an dưỡng 16 (Bộ Tư lệnh Quân khu 1); Dự án Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội); Dự án Nhà máy thủy điện hồ Núi Cốc (Công ty cổ phần Thủy điện hồ Núi Cốc); Dự án Khu Thương mại dịch vụ du lịch khách sạn hồ Núi Cốc (Công ty cổ phần Khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc); Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm (Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt). Các dự án còn lại mới triển khai một phần theo đề nghị ban đầu của nhà đầu tư hoặc vẫn còn “nằm trên giấy”.

Qua các lần kiểm tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các địa phương, gồm: T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên, huyện Đại Từ đều đã đề nghị chủ đầu tư các dự án trong khu vực hồ Núi Cốc triển khai dở dang cần đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, phần lớn các chủ đầu tư đều nêu ra những khó khăn do yếu tố khách quan để kéo dài thời gian thực hiện dự án. Do vậy, trong quý I-2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo số 676/BC-KHĐT làm rõ thực trạng từng dự án đầu tư tại Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc và đề nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục cho triển khai đối với một số dự án còn khả thi. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị UBND tỉnh thu hồi một số dự án chủ đầu tư chậm triển khai do năng lực tài chính, các lý do chủ quan khác.

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho triển khai các dự án, gồm: Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng quốc tế của Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công; Khu nghỉ dưỡng lão và du lịch sinh thái của Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á; Dự án Nghiên cứu, sản xuất, chế biến và kinh doanh chè công nghệ Yên Bình của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Yên Bình; Khu du lịch sinh thái và an dưỡng Đường Trường Sinh của Công ty TNHH Một thành viên thương mại và dịch vụ Trường Sinh. Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các dự án: Khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng ăn uống và khu neo đậu, trạm sửa chữa bảo dưỡng tàu của Công ty THNH Một thành viên Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng; Khu du lịch sinh thái Nam hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Khoáng sản và công nghiệp Cao Bằng; Khu du lịch dược liệu, biệt thự nghỉ dưỡng hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Tư vấn và chuyển giao công nghệ Quốc tế; Đường đô thị Đán - hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Bất động sản Hà Nội; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Kim Thái.

Chính vì những chủ đầu tư dự án đã đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư vào Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc hàng chục năm qua mà chưa triển khai đã khiến việc cấp phép các dự án mới gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các dự án trên đều đề nghị thực hiện trên quy mô từ vài chục tới trên 1.000ha đất và mặt nước của hồ Núi Cốc với số vốn nhiều nghìn tỷ đồng. Tình trạng nhiều dự án chỉ “khoanh” đất, mặt nước đã khiến cả khu du lịch quy hoạch tầm cỡ quốc gia này đến nay vẫn chưa tạo được dấu ấn trong bản đồ du lịch Quốc gia, khu vực. Nhiều nhà nghiên cứu về du lịch, kiến trúc sư và cả du khách khi đến khu du lịch hồ Núi Cốc lần đầu đều rất ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên, nhưng thất vọng về dịch vụ và hạ tầng. Chính vì điều này mà lượng khách lưu trú dài ngày và tái hồi Khu du lịch hàng năm còn rất khiêm tốn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh đã, đang triển khai thực các nội dung để phát triển Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc tương xứng với tiềm năng và kết nối với vùng ATK đặc biệt của các tỉnh Việt Bắc. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đầu tư kinh phí thực hiện dự án đường giao thông ven hồ Núi Cốc để kết nối khu Nam và khu Bắc; UBND tỉnh quyết định đầu tư trên 2.000 tỷ đồng để triển khai dự án tuyến đường mới nối trung tâm T.P Thái Nguyên vào hồ Núi Cốc… Đặc biệt, đến cuối tháng 9 này, Bộ Xây dựng sẽ hoàn tất các thủ tục để công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ quy hoạch Khu du lịch trọng điểm Quốc gia hồ Núi Cốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Vì vậy, việc thường xuyên kiểm tra, rà soát những dự án đầu tư vào Khu du lịch bị chậm tiến độ, không đủ năng lực để chấm dứt hiệu lực pháp lý, chào đón các nhà đầu tư mới có đủ tâm, tầm là rất cần thiết.

Văn Hiến