Vẫn còn những hạn chế, vướng mắc
Hiện nay toàn tỉnh có gần 470 HTX, trong đó có hơn 260 HTX nông nghiệp. Mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng tồn tại của khu vực kinh tế này vẫn chưa thể khắc phục. Được biết, còn khoảng 15% HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hoạt động chưa bảo đảm nguyên tắc của Luật HTX. Ngoài ra, cũng tồn tại những HTX đã chuyển đổi theo luật HTX năm 2012 nhưng hoạt động còn mang tính hình thức...
Thiếu vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ là những rào cản khiến các HTX khó mở rộng, đầu tư sản xuất kinh doanh. Dù đã khẳng định được chất lượng sản phẩm, bà con thành viên nắm chắc kỹ thuật canh tác, thế nhưng HTX Rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) vẫn chưa mạnh dạn mở rộng sản xuất do chưa tìm được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn, ổn định. Anh Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX cho biết: Nếu không có thị trường vững bền thì rau an toàn làm ra có nguy cơ phải bán ngoài chợ, đánh đồng với rau được trồng thông thường, giá cả bấp bênh. Do vậy, HTX vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiêu thụ trước khi đầu tư mở rộng diện tích.
Không quá lo lắng về đầu ra cho sản phẩm, thế nhưng, vốn đầu tư cho sản xuất để đa dạng sản phẩm lại khiến Ban Quản trị HTX Chè trung du Tân Cương (T.P Thái Nguyên) băn khoăn, trăn trở. Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX cho hay: Bên cạnh chè búp khô các loại, HTX đang muốn phát triển mạnh sản phẩm trà ướp hương hoa, trà túi lọc. Thế nhưng, các loại máy móc như máy sấy lạnh, máy sản xuất túi lọc bằng màng ngô lại khá đắt đỏ, có loại trị giá hàng tỷ đồng, do vậy, chúng tôi đang phải sử dụng máy sấy mini để sản xuất, năng suất không cao mà lại tốn nhiều công sức. Sản phẩm trà túi lọc vẫn tạm thời chưa thể triển khai.
Quy mô các HTX nông nghiệp nhỏ, số lượng thành viên ít còn do nhận thức của người dân về HTX kiểu mới chưa đầy đủ; hoạt động liên kết, liên doanh giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp chưa nhiều. Vì vậy, các HTX gặp khó khăn trong khâu cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các thành viên và hộ nông dân. Mặt khác, đặc thù của các HTX nông nghiệp là chịu sự tác động khá lớn từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khác như vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở đối với kinh tế hợp tác, HTX thể hiện chưa rõ; sự hỗ trợ chưa đủ mạnh để thúc đẩy KTTT phát triển; một số HTX còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Do vậy, để các HTX nông nghiệp phát triển, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng; đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển HTX nông nghiệp bền vững, cách nào?
Từ những kinh nghiệm thực tế hoạt động trong 13 năm của HTX, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Liên Sơn, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Một nguyên tắc cơ bản để HTX tồn tại và phát triển là các thành viên HTX phải hoàn toàn tự nguyện, không bị gò ép. Ở HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Liên Sơn, ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã xác định mục tiêu hoạt động của HTX là kết quả thu nhập và sự hài lòng của các thành viên chứ không đề cao tiêu chí lợi nhuận cho HTX. Bởi thế, phương thức hoạt động của chúng tôi là lấy thành viên làm trọng tâm. Các hộ tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình, HTX chỉ làm những việc mà các cá nhân đơn lẻ không thể làm được, hoặc làm không hiệu quả.
Theo các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, yếu tố đánh giá hiệu quả của các HTX nông nghiệp còn là hiệu quả kinh tế nông sản. Do vậy, việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo kết nối cung - cầu là yếu tố quan trọng để HTX hoạt động ổn định, người dân tin tưởng, tập trung sản xuất. Ngoài ra, tích tụ sản xuất, khắc phục phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành các vùng chuyên canh lớn cũng là điều kiện thuận lợi để hướng các HTX sản xuất gắn với thị trường. Các địa phương cần linh hoạt trong việc áp dụng các chính sách trong hỗ trợ KTTT, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng trụ sở, khu vực sản xuất, chế biến của các HTX.
Bàn về vấn đề này, bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để tiếp tục phát huy vai trò của KTTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì cần thiết đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT. Đặc biệt, gắn phát triển KTTT với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục bố trí các nguồn lực, quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khu vực KTTT, trong đó có các HTX nông nghiệp phát triển.
Tại buổi làm việc với Liên minh HTX tỉnh giữa tháng 6 vừa qua, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh đã khẳng định vai trò của KTTT nói chung, HTX nói riêng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do vậy, việc giải quyết các “điểm nghẽn” trong phát triển HTX là quan trọng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hình thành liên kết chuỗi trong các HTX nông nghiệp, hướng sản xuất hữu cơ nhằm khắc phục phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây. Mặt khác, cần có lộ trình trong việc phát triển các HTX, chú trọng nâng cao chất lượng, đem lại hiệu quả thiết thực cho các thành viên…
Như vậy, có thể thấy câu chuyện làm gì để phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới vẫn đang là bài toán với nhiều lời giải, tùy vào điều kiện, đặc điểm của từng địa phương và sự đồng thuận của nhân dân để từng bước mở rộng quy mô, hình thành các HTX. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ pháp lý cũng cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý. Tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn, bổ sung nguồn vốn cho Quỹ phát triển HTX; hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; mở rộng xúc tiến thương mại…
Mục tiêu đến năm 2025: Vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển thêm khoảng 120 HTX nông nghiệp; 100% huyện, thành phố, thị xã có mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến bền vững. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong THT, HTX tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2020. Ít nhất 20 HTX được hỗ trợ xây dựng theo mô hình HTX kiểu mới, có sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Đến năm 2030: Có khoảng 600 HTX nông nghiệp; phát triển khoảng 50 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm hàng hóa. |