Cập nhật: Thứ tư 28/08/2019 - 08:51
Ở xóm Khuổi Chao, nhiều căn nhà 2 tầng được xây dựng khang trang, hiện đại.
Ở xóm Khuổi Chao, nhiều căn nhà 2 tầng được xây dựng khang trang, hiện đại.

Những năm qua, diện mạo xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh (Định Hóa) đã thay đổi đáng kể so với trước đây. Xóm đã được Nhà nước đầu tư điện lưới Quốc gia đến từng hộ dân, đường giao thông được cứng hóa, cuộc sống ấm no của người dân nơi đây đã dần hiện hữu...

Hơn 5 năm trước, chúng tôi có chuyến công tác đến xóm Khuổi Chao (một trong những xóm khó khăn nhất của huyện Định Hóa) để tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây. Tại thời điểm đó, điện, đường ở Khuổi Chao gần như vẫn “trắng”. Chính vì thế, người dân ở đây không có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 50%, số lượng nhà tranh, vách đất nhiều hơn nhà xây kiên cố.

Nhưng, trở lại Khuổi Chao vào một ngày tháng 8, chúng tôi thấy diện mạo của xóm nghèo trước đây đã đổi khác. Ông Hoàng Ngọc Nho, Trưởng xóm Khuổi Chao tươi cười thông tin: Hiện xóm có hơn 80 hộ dân, với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, cuộc sống của bà con rất khó khăn. Năm 2015, được Nhà nước đầu tư hơn 15 tỷ đồng, bà con hiến hơn 5.000m2 đất để làm đường bê tông dài hơn 7km vào đến tận cuối xóm. Tuyến đường mới đã giúp bà con đi lại thuận tiện và nông sản làm ra cũng được thương lái vào mua với giá cao hơn... Bên cạnh đó, ngành Điện đã đầu tư thêm đường dây hạ thế đến cuối thôn nên tất cả các hộ dân đều được sử dụng nguồn điện ổn định để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Cột phát sóng điện thoại được lắp đặt ngay đầu xóm nên thông tin liên lạc của bà con với bên ngoài cũng vì thế trở nên dễ dàng. Những yếu tố đó đã làm thay đổi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân xóm vùng sâu, vùng xa này và giúp bà con nơi đây có điều kiện vươn lên thoát nghèo... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xóm chỉ còn hơn 20%.

Trên con đường bê tông mới được làm vào cánh đồng Khuôn Liềng, chúng tôi thấy những chiếc xe gắn máy chở phân bón chạy băng băng. Chị Triệu Thị Hoa, một người dân ở xóm Khuổi Chao cho biết: Diện tích lúa của bà con trong xóm tập trung chủ yếu ở Khuôn Liềng, với gần 3ha. Khi chưa có đường bê tông, việc vận chuyển phân bón, nông sản sau khi thu hoạch rất vất vả, còn bây giờ chúng tôi dùng xe máy chở chỉ mất chưa đầy 5 phút. Đường vào Khuôn Liềng thuận tiện nên chúng tôi có điều kiện chăm sóc lúa tốt hơn, vì vậy năng suất cũng tăng thêm từ 30-50kg/sào thóc so với những năm trước...

Ở xóm Khuổi Chao bây giờ, trong thời gian nông nhàn, những người có sức khỏe lại đi làm tại các khu công nghiệp để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, khi Nhà nước triển khai Dự án trồng quế ở những diện tích rừng phòng hộ thuộc khu vực Khuổi Chao, bà con đều tham gia (Dự án trồng quế, người dân được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha). Đến nay, bà con trồng được hơn 200ha quế. Trong tương lai, cây trồng này sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới của bà con trong xóm.

Từ những cố gắng trong lao động, sản xuất, người dân trong xóm đã có tích lũy, xây dựng được nhiều căn nhà khang trang trong những năm gần đây. Nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người thân bị đau ốm, bệnh tật, như: Hộ anh Triệu Văn Thế, Triệu Văn Tuyên đã được Nhà nước và người thân hỗ trợ để xây dựng nhà tình nghĩa... Ông Ma Khánh Tập, Chủ tịch UBND xã Bảo Linh cho biết: Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xóm Khuổi Chao, bên cạnh việc ưu tiên hỗ trợ sản xuất, chính quyền địa phương còn vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ nên trong năm 2017-2018 đã có 3 hộ nghèo được xóa nhà tranh, vách đất. Phấn đấu đến năm 2020, trong xóm Khuổi Chao sẽ không còn có hộ nào phải ở trong nhà tạm... Cùng với đó, để con em trong xóm Khuổi Chao được học tập thuận lợi, năm 2016, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 5 nhà lớp học tại Điểm trường Tiểu học Khuổi Chao và nhà lớp học Mầm non khang trang tại khu vực trung tâm của xóm...     

Mặt trời đã xuống sau dãy núi, chúng tôi rời xóm Khuổi Chao trong tâm trạng vui mừng trước sự đổi thay của bà con nơi đây. Những khó khăn vất vả, cái đói nghèo, lạc hậu đã dần lùi về phía sau, người dân trong xóm đã và đang nỗ lực vươn lên để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Dương Hưng