Cập nhật: Thứ bẩy 31/08/2019 - 14:44
Cán bộ chiến sĩ đảo Tốc Tan A đón Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân và Đoàn công tác số 15.
Cán bộ chiến sĩ đảo Tốc Tan A đón Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân và Đoàn công tác số 15.

Khi mặt trời sớm mùa Hè vừa nhô lên khỏi mặt biển cũng là lúc tàu Trường Sa 571 vang lên những hồi còi dài rời Quân cảng Cam Ranh đưa chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Trên tàu chở hàng trăm người thân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mỗi người đều háo hức được lên đảo gặp người thân của mình, mang hơi ấm đất liền đến với người lính canh giữ biển trời Trường Sa thân yêu.

Trường Sa lớn là đảo đầu tiên mà nhóm phóng viên chúng tôi được tiếp cận. Đứng trước cầu cảng đảo Trường Sa lớn, bà Bùi Thị Ngần quê phường Nam Khê, T.P Uông Bí (Quảng Ninh) bồi hồi xúc động khi gặp con trai mình - chiến sĩ Nguyễn Ngọc Nam trong hàng quân chào đón Đoàn. Chàng trai nhỏ bé ngày nào giờ là một chiến sĩ Trường Sa rắn rỏi, nước da rám nắng. Năm 2018, Nam  thi đỗ Đại học Hàng hải (Hải Phòng) nhưng không theo học mà làm đơn xin gia nhập quân ngũ. Cậu được điều động vào Phân đội Pháo 82, bảo vệ đảo Trường Sa lớn. Bà Ngần xúc động: Con trai tôi thiệt thòi hơn các bạn trang lứa khi mới 2 tháng tuổi đã mồ côi cha, tôi và gia đình dồn hết tình cảm bù đắp cho con. Từ một chàng trai quen sự bao bọc của gia đình, sau gần 1 năm rèn luyện trong Quân đội, Nam đã trở thành một pháo thủ cứng cáp. Tôi vô cùng xúc động và tự hào vì con mình là một chiến sĩ Trường Sa, góp sức mình bảo vệ Tổ quốc.

Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 150 nghìn km2. Các đảo, cụm đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn, điểm tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc. Tại đây, những thế hệ người lính hôm nay vẫn đang viết tiếp những trang sử vàng mà cha ông đã truyền trao trong việc giữ vững chủ quyền biển đảo.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa lớn đón thân nhân lên thăm đảo.

Chủ trương đưa người thân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa là hoạt động của Quân chủng Hải quân được tổ chức từ năm 2017 với thời gian 2 năm/lần. Ra đảo Trường Sa Đông từ tháng 7-2018, Đại úy Đoàn Văn Khắc quê xã Gia Hòa, huyện Gia Lộc (Hải Dương) xúc động khi biết đợt này có vợ ra thăm. Từ nhiều ngày trước, anh đã chuẩn bị kỹ càng “kế hoạch” đón Đoàn công tác và đón người vợ thân yêu của mình. Gặp lại sau gần 1 năm xa cách, vợ chồng anh không giấu được cảm xúc, ôm chặt nhau một lúc lâu để cảm nhận tình cảm, hơi ấm của đất liền mang đến nơi đảo xa. Anh bảo: Tôi chả biết nói gì vì xúc động qua! Tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm của Quân đội đã giúp vợ chồng tôi đoàn tụ ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Chị Nguyễn Thị Hà Trang quê ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) vợ sỹ quan Nguyễn Ngọc Tú đang công tác tại đảo An Bang, sau gần 10 ngày chứng kiến nơi ăn, ở, điều kiện sinh hoạt trên đảo đã chia sẻ: Dù ở đảo thiếu thốn hơn trên đất liền nhưng tinh thần của cán bộ, chiến sĩ rất vững vàng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. "Những ngày sống trên đảo An Bang, tôi luôn luôn cảm thấy mình hạnh phúc. Tôi trân quý từng giây từng phút bên chồng và cảm nhận được những thử thách, hy sinh của anh và các chiến sĩ.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Văn Tiến, Chính trị viên đảo An Bang cho biết: Việc Quân chủng Hải quân tổ chức cho Đoàn thân nhân ra thăm đảo rất ý nghĩa, giúp rút ngắn khoảng cách giữa đất liền với đảo; đồng thời, thể hiện tình cảm của người thân với cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Chúng tôi xác định thân nhân cán bộ, chiến sĩ ra thăm là người thân của cả đơn vị, trong quá trình ăn ở sinh hoạt trên đảo phải được tạo điều kiện tốt nhất.

Trong hành trình đưa thân nhân ra thăm đảo, Đoàn công tác số 15 đã đặt chân tới 10 đảo nổi và đảo chìm thuộc khu vực phía Nam của Quần đảo Trường Sa gồm: Trường Sa lớn, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Đông, Đá Tây, Thuyền Chài C, Tóc Tan, Phan Vinh, Núi Le và An Bang.

Bà Bùi Thị Ngần quê phường Nam Khê, T.P Uông Bí (Quảng Ninh) bồi hồi xúc động khi gặp lại con mình - chiến sĩ Nguyễn Ngọc Nam ngay trên cầu cảng đảo Trường Sa lớn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, Trưởng Đoàn công tác số 15: Chủ trương cho người thân thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo Trường Sa đã đáp ứng nguyện vọng của gia đình thân nhân muốn được biết nơi ăn ở, từ đó chia sẻ, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, yên tâm tâm canh giữ biển đảo quê hương.

Hoàng Hưng