Lật giở từng trang trong cuốn sổ đặt trên chiếc bàn gỗ trong Nhà tưởng niệm chúng tôi thấy nét chữ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đại diện tập thể và cá nhân đến từ khắp nơi trong cả nước chất chứa lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh của 60 TNXP. Đặc biệt trong đó còn có cả lời xin lỗi, nét chữ run rẩy có lẽ được viết ra bởi một người đang xúc động, đại ý như sau: Tôi thấy mình thực sự có lỗi, khi đến tận hôm nay mới biết đến sự hy sinh của các anh, các chị. Trước tiên, xin được tạ tội với các chị, các anh; sau nữa tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khi các đồng chí đã cho tôn tạo nơi này để cá nhân tôi cũng như nhân dân cả nước được đến thăm viếng, để bản thân tôi không mắc tội lãng quên một sự kiện lịch sử bi hùng…
Gấp cuốn sổ, chúng tôi bước ra hành lang ngắm nhìn cảnh sắc được bài trí bên ngoài: Gần 50 năm đã trôi qua, những dấu tích của sự kiện bi tráng đêm Nô - en năm 1972 ở khu vực Lưu Xá - Gia Sàng có thể đã bị phai mờ nhưng nhờ công trình này, giá trị lịch sử, địa điểm và những hiện vật về Đại đội 915 Anh hùng đã được phục dựng. Đây là chứng tích của sự kiện nhắc nhở mỗi người dân không được phép lãng quên.
Vùng đất Gia Sàng, trong các nguồn sử liệu có ghi: Từ thế kỷ XV, nhân dân Gia Sàng tham gia nghĩa quân "Áo Đỏ" chống giặc Minh", năm 1833, nhân dân Gia Sàng hăng hái tham gia vào đội quân ứng nghĩa do Nông Văn Vân lãnh đạo chống triều đình nhà Nguyễn…, đang miên man trong miền quá khứ, chúng tôi chợt nghe được đoạn hội thoại của chị Vũ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông T.P Thái Nguyên (phụ trách chung tại Khu di tích) với một cụ ông trạc ngoài 80 tuổi bên ngoài hành lang Nhà trưởng niệm. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết cụ nhà ở phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên), nghe ti vi, đài, báo nói Khu tưởng niệm TNXP được tôn tạo nhưng do khi công trình mới làm xong, sức khỏe lại không tốt nên chưa đến được, hôm nay cụ đạp xe đến tận nơi. Ngày các anh, chị hy sinh, cụ là người được chứng kiến cảnh tìm kiếm thi thể các anh, các chị nên hôm nay tận mắt được nhìn thấy Khu Di tích khang trang, đẹp đẽ cụ không khỏi xúc động.
Chị Chung chia sẻ: Từ khi công trình tu bổ, tôn tạo Nhà tưởng niệm các TNXP Đại đội 915 hoàn thành (ngày 21/12/2018) đến nay, ngoài đoàn công tác của Trung ương, các tỉnh khi đến làm việc tại Thái Nguyên đều viếng thăm, nơi đây còn được đón rất nhiều khách lẻ là người dân trong và ngoài tỉnh. Rất nhiều trường học trong và ngoài tỉnh tổ chức đưa học sinh tới Khu Di tích để giáo dục truyền thống. Dịp này, khi kỳ nghỉ hè kết thúc, các xã, phường, cũng tổ chức nhiều đoàn cho các em thiếu niên, nhi đồng đến dâng hương 60 Anh hùng liệt sĩ. Nhiều địa phương, ban ngành, đơn vị, trường học… chọn nơi đây để tổ chức vinh danh những điển hình tiên tiến hay tổ chức kết nạp Đảng, mới đây nhất là huyện Phú Lương và Trường Đại học Y- Dược Thái Nguyên.
Chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, Khu Di tích đã đón 283 đoàn đến viếng, dâng hương. Tính từ khi công trình hoàn thành đến nay đã có hơn 1.200 đoàn khách với hơn 90 nghìn lượt người tới viếng…
Học sinh Trường Vùng cao Việt Bắc được giáo dục truyền thống tại Khu di tích lịch sử Quốc gia, địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915.
Câu chuyện kéo dài, chẳng mấy chốc trời đã quá trưa, trong bộ quân phục TNXP, các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đây trán ai cũng lấm tấm mồ hôi, nhưng khách đến dâng hương dù là đi theo đoàn hay đơn lẻ đều được các anh, chị hướng dẫn tận tình, chu đáo. Chia sẻ điều này với chị Vũ Thị Kim Chung, chị cười hồn hậu: Ở đây chúng tôi vẫn nói với nhau rằng mình làm việc theo tinh thần của TNXP, anh chị em luôn động viên nhau phục vụ nhân dân đến thăm viếng không quản giờ giấc. Dù là khách đi theo đoàn hay đi lẻ đã đến đây đều mang theo tấm lòng tri ân với những người đã ngã xuống cho độc lập dân tộc. Bởi vậy khi khách mong muốn được tham gia đầy đủ các phần lễ dâng hương và tham quan Không gian trưng bày tài liệu hiện vật, chúng tôi sẽ tận tình đáp ứng.
Một trong những điểm nhấn của Khu Di tích chính là Không gian trưng bày tài liệu hiện vật Đại đội 915. Không gian được đặt ngay bên dưới của Nhà tưởng niệm và được chia làm 3 phần. Phần thứ Nhất: Giới thiệu bối cảnh lịch sử và việc cần thiết thành lập các đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Ngày 18/1/1966, Đội TNXP 91 Bắc Thái được thành lập với hơn 600 cán bộ, đội viên, bao gồm 4 đại đội trực thuộc là Đại đội 911, 912, 913, 914. Đến tháng 6-1972, Đại đội 915 được thành lập, các đội TNXP có nhiệm vụ san lấp hố bom, bốc dỡ hàng hóa tại ga Lưu Xá để chi viện cho chiến trường miền Nam. Phần thứ Hai: Những đóng góp to lớn và sự hy sinh anh dũng của cán bộ đội viên Đại đội 915. Trận bom đêm 24/12/1972 của Đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 60 TNXP khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa quân sự ở ga Lưu Xá. Phần thứ Ba: Thái Nguyên tri ân công lao của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, trưng bày những bức ảnh, tài liệu, hiện vật gắn liền với quá trình tu bổ, tôn tạo, bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Tại đây trưng bày 28 bức ảnh chân dung các liệt sĩ cùng danh sách tên tuổi, quê quán của 60 TNXP hy sinh đêm 24/12/1972 và danh sách, hình ảnh của 7 cán bộ, đội viên Đại đội 915 còn sống sót sau trận bom; Bằng Tổ quốc ghi công 60 liệt sĩ cùng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân của Đại đội 915, Đội TNXP 91 Bắc Thái do Chủ tịch nước trao tặng…
Dù đã đến Không gian trưng bày tài liệu hiện vật về Đại đội 915 nhiều lần, xong cảm xúc của chúng tôi mỗi lần đứng trước nhiều hiện vật vẫn rưng rưng. Ánh mắt, nụ cười trong trẻo trên di ảnh của những chàng trai, cô gái mới mười tám, đôi mươi như chất chứa bao điều gửi gắm với người trước mặt, hãy thực hiện những hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ, điều mà chúng tôi còn dang dở… bất giác trong mỗi người như có tiếng nói vang lên từ tâm khảm, hãy sống sao cho xứng đáng với lịch sử, với sự hy sinh của các chị, các anh.