Cập nhật: Thứ hai 09/09/2019 - 10:36
Một buổi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT tại Trường THPT Lê Hồng Phong (T.X Phổ Yên).
Một buổi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT tại Trường THPT Lê Hồng Phong (T.X Phổ Yên).

Năm học 2019-2020 vừa mới bắt đầu. Một trong những vấn đề khiến không ít phụ huynh lo lắng là an toàn giao thông (ATGT) cho con em mình khi đến trường. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Tân Hoàng Long, Chánh Văn phòng Ban ATGT của tỉnh.

P.V: Được biết, Ủy ban ATGT Quốc gia vừa ban hành công văn về việc tổ chức thực hiện tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường vào tháng 9/2019. Ông có thể nêu một số đáng lưu ý trong đợt cao điểm này?

Ông Tân Hoàng Long: Công văn số 380/CV-UBATGTQG ngày 21/8/2019 của Uỷ ban ATGT Quốc gia về việc tổ chức tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường với nội dung yêu cầu cơ bản như những năm trước, nhưng có thêm 2 điểm đáng lưu ý là: Yêu cầu cha mẹ học sinh không giao mô tô, xe máy cho trẻ em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định; trong báo cáo giám sát kết quả thực hiện cam kết chấp hành quy định ATGT cho học sinh với phụ huynh học sinh có mục số lượng và tỷ lệ học sinh đã có mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo từng cấp học.

P.V: Để đảm bảo ATGT cho trẻ đến trường, tỉnh ta có chỉ đạo và triển khai những nội dung gì về vấn đề này, thưa ông?

Ông Tân Hoàng Long: Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc đảm bảo trật tự ATGT những tháng cuối năm và ngày lễ lớn. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Ban ATGT, các ngành, cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp và nhiệm vụ đã phân giao từ đầu năm. Riêng về vấn đề ATGT cho học sinh thì chú trọng tới công tác tổ chức, quản lý xe đưa đón học sinh; đảm bảo các điều kiện theo quy định để các em được đưa đón đến trường thuận lợi, an toàn. Đồng thời, nhấn mạnh việc xử lý nghiêm hành vi chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm. Mục đích là nâng cao nhận thức đối với phụ huynh học sinh, giáo viên và nhà trường trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về trật tự ATGT đường bộ nói chung và đưa đón học sinh nói riêng.

P.V: Như Báo Thái Nguyên từng có bài viết phản ánh về việc xe đưa đón học sinh tới trường không đảm bảo an toàn còn phổ biến. Theo ông cần có giải pháp gì về vấn đề này?

Ông Tân Hoàng Long: Việc đưa đón học sinh bằng xe ô tô không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện lưu hành là hết sức nguy hiểm. Bình thường có lẽ chưa nhiều người quan tâm đến vấn đề này nhưng khi xảy ra sự cố chắc chắn hậu quả rất khó lường. Theo quan điểm của cá nhân tôi, để giải quyết vấn đề này cần lưu ý 2 nội dung: Thứ nhất, nếu gia đình thuê ô tô đưa con đến trường thì phải kiểm tra kỹ chất lượng xe có đủ điều kiện lưu hành và điều kiện kinh doanh vận tải không. Nếu phát hiện xe không đủ 2 điều kiện nêu trên mà vẫn đưa đón các cháu thì báo ngay cho lực lượng công an để kiểm tra xử lý theo quy định. Thứ hai, cơ quan chức năng phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát, phát hiện xe không đủ điều kiện lưu hành tham gia giao thông để ngăn chặn.

P.V: Nhiều người nhận định, vai trò của gia đình trong việc giáo dục ATGT cho trẻ em đôi khi còn bị xem nhẹ. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?

Ông Tân Hoàng Long: Việc giáo dục ATGT là trách nhiệm của nhiều phía, trong đó gia đình có vai trò rất quan trọng. Để trả lời ý kiến nếu trên, tôi xin đơn cử một dẫn chứng: Năm 2019, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Quỹ phòng chống thương vong châu Á khảo sát tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm đến trường của gần 20 trường tiểu học trên địa bàn T.P Thái Nguyên, huyện Võ Nhai, Phú Lương và Đại Từ. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm rất thấp, đa số là dưới 20%, phụ huynh đưa các cháu đến trường bằng xe máy cũng hầu như không đội mũ bảo hiểm. Thực trạng trên cho thấy bản thân phụ huynh còn chưa tự giác chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì làm sao nêu gương được cho con trẻ. Tôi cho rằng ý kiến nhận định rằng vai trò của gia đình trong việc giáo dục ATGT cho trẻ em đôi khi còn bị xem nhẹ là có cơ sở.

P.V: Vào đầu mỗi năm học, các trường đều tổ chức cho cha mẹ, học sinh ký cam kết chấp hành quy định về ATGT. Tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng trẻ không đội mũ bảo hiểm, đi học bằng xe máy phân khối lớn… Theo ông, cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

Ông Tân Hoàng Long: Tình trạng không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông, trang bị cho các cháu xe máy phân khối lớn tới trường… thực sự xuất phát từ ý thức chủ quan của người lớn. Để hạn chế tình trạng này, theo tôi cần thực hiện tốt một số nội dung: Đẩy mạnh tuyên truyền về ATGT, mức độ nguy hiểm và hậu quả nguy hại khi cho con trẻ tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy khi chưa đến tuổi theo quy định. Đưa văn hóa giao thông và chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đến từng cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư và gia đình để xét thi đua khen thưởng hằng năm. Phối hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT với tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...  

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhị Hà
(thực hiện)