Một trong những xã vùng DTTS được hưởng lợi từ Chương trình phải kể đến là Tràng Xá (Võ Nhai). Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhiều năm nay, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã tạo “đòn bẩy” cho người dân vươn lên phát triển kinh tế… Nhờ vậy, đời sống của bà con đã được nâng lên đáng kể. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm xã đã giảm được khoảng 6% hộ nghèo.
Không chỉ riêng Tràng Xá, nhiều xã khác trong tỉnh cũng được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. 3 năm trở lại đây, thông qua thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, Chương trình đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị, công cụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 40.000 lượt hộ nghèo vùng DTTS của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện tích cực cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở 36 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh hiện giảm xuống còn 20,86% (giảm cao nhất trong các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc). Đặc biệt, tỉnh ta đang có 61/124 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện tại, 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm, hơn 60% số đường trục xóm được cứng hóa, gần 100% số hộ dân vùng núi có điện lưới phục vụ sinh hoạt; 91% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đạt chuẩn về y tế; hoàn thành cơ bản việc định canh, định cư, cơ bản chấm dứt tình trạng di cư tự do, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các dân tộc, vùng miền.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Có được kết quả này là nhờ tỉnh ta đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan triển khai thực hiện đúng quy định, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo; hỗ trợ nguồn vốn cho người dân đúng đối tượng. Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân tự lực, tự giác vươn lên thoát nghèo...
Từ thực tế cho thấy, giảm nghèo là “chìa khóa” để nâng cao mức sống cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong tỉnh đang gặp phải không ít khó khăn do nhiều hộ nghèo vùng đồng bào DTTS sống ở các địa bàn vùng núi cao, điều kiện tự nhiên (đi lại, canh tác) không thuận lợi nên việc đi lại, canh tác còn nhiều trở ngại. Đặc biệt, không ít hộ dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo…
Do đó, để thực hiện được mục tiêu không chỉ giảm về số lượng mà giảm nghèo phải hiệu quả, bền vững, giải pháp tỉnh đề ra nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ việc hỗ trợ người nghèo đa chiều tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Cụ thể như hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn, đảm bảo 80% lao động sau học nghề có việc làm; tạo điều kiện cho người nghèo trong độ tuổi lao động tiếp cận, tham gia chương trình xuất khẩu lao động, làm việc tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn... Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường; quan tâm đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập, ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo; xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phù hợp, thiết thực. Đặc biệt quan tâm nghiên cứu để tìm ra các mô hình sản xuất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào, tạo sinh kế và có những chính sách phù hợp giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Hằng năm bố trí kinh phí để phát triển hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn; phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống...