Những năm gần đây, tỉnh ta đã và đang nỗ lực thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn. Trong đó, T.P Sông Công là một trong những điểm sáng về lĩnh vực này. Điểm đáng lưu ý, Thành phố có nền tảng phát triển công nghiệp, có hạ tầng kỹ thuật và hội đủ những yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả, nhất là tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.
Năm 2018, T.P Sông Công đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của tỉnh tham gia Chương trình xúc tiến đầu tư với 12 dự án trong tổng số 65 danh mục dự án được tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư. Riêng tại KCN Sông Công I đã có 6 dự án đầu tư được cấp phép với tổng số vốn đăng ký trên 175 tỷ đồng. Còn KCN Sông Công II được tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư (mặc dù KCN Sông Công II chưa hoàn thiện hạ tầng nhưng cuối năm 2018 đã có nhà đầu tư FDI đăng ký đầu tư vào đây với số vốn 450 triệu USD). Đối với các CCN ở T.P Sông Công cũng thu hút thêm nhiều dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, một số nhà máy có vốn đầu tư lớn đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào sản xuất, nhờ đó giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá cao (với tổng giá trị sản xuất đạt gần 6.890 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước đó, trong đó công nghiệp địa phương đạt 3.810 tỷ đồng).
Bước sang năm 2019, tình hình sản xuất công nghiệp của các DN trên địa bàn T.P Sông Công tiếp tục duy trì ổn định, với các lĩnh vực sản xuất chủ yếu là: Cơ khí, luyện thép, chế tạo máy công cụ, lắp máy, sản suất vỏ và bao bì điện thoại, linh kiện điện tử, sản suất thức ăn chăn nuôi… Về giá trị sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay ước đạt trên 5.970 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương ước đạt trên 3.010 tỷ đồng, tăng gần 16%). Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, công tác thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn Thành phố cũng được quan tâm triển khai thực hiện. Trong đó, Dự án đầu tư hạ tầng CCN Bá Xuyên (có diện tích 38,8ha) được triển khai đúng tiến độ, đến nay nhà đầu tư đã giải phóng mặt bằng được khoảng 15ha và đang thực hiện các thủ tục theo quy định để tiến hành xây dựng hạ tầng, dự kiến cuối năm nay sẽ có mặt bằng sạch để bàn giao từng phần cho các DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại đây. Bên cạnh đó, từ tháng 2-2019, UBND T.P Sông Công đã trình UBND tỉnh cùng các ngành chức năng về việc mở rộng và đầu tư hạ tầng CCN Nguyên Gon với tổng kinh phí trên 93 tỷ đồng (do Công ty TNHH Doosun Việt Nam làm chủ đầu tư hạ tầng). Đối với Dự án CCN Lương Sơn (với diện tích quy hoạch là 40ha) hiện có 2 DN đăng ký làm chủ đầu tư hạ tầng, Phòng Kinh tế T.P Sông Công đã phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh báo cáo UBND tỉnh quyết định về vấn đề này. Còn tại CCN Khuynh Thạch (có diện tích 40ha) hiện nay đã lấp đầy các dự án sản xuất, kinh doanh được trên 80% diện tích...
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Nhìn chung, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, các ngành may mặc, sản xuất thép, sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay… có nhiều khởi sắc, thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên cũng có một số DN cơ khí (như Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1, Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công) gặp khó khăn trong sản xuất nên thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động bị sụt giảm so với những năm trước. Để đồng hành với các DN trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, cùng với việc chú trọng triển khai thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ nhiều dự án đầu tư, các cấp, ngành chức năng của T.P Sông Công đã tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; phối hợp với các DN thực hiện công tác an sinh xã hội để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp cũng được quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan hơn so với thời gian trước…
Nỗ lực vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động là ưu tiên hàng đầu hiện nay của nhiều DN sản xuất cơ khí trên địa bàn T.P Sông Công. Tìm hiểu thực tế tại Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân (chuyên sản xuất các loại khuôn và đồ gá gia công cung cấp cho nhiều công ty cơ khí trong nước), chúng tôi được biết: Trong những tháng đầu năm nay, do nhiều công ty cơ khí gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nên sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân cũng bị ảnh hưởng, doanh thu từ đầu năm đến nay chỉ đạt 35 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ năm trước). Vì vậy, để bảo đảm việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng (tương đương so với năm 2018), ngoài đơn đặt hàng của những khách hàng cố định, Công ty nỗ lực tìm kiếm và nhận thêm nhiều đơn hàng của khách lẻ, từ đó người lao động có thêm việc làm thường xuyên.
Theo kế hoạch, năm 2019, T.P Sông Công phấn đấu tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt trên 8.050 tỷ đồng (trong đó sản xuất công nghiệp địa phương đạt trên 4.450 tỷ đồng). Để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, trong những tháng cuối năm, UBND Thành phố tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả một số nội dung, nhiệm vụ: Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư tại các KCN, CCN; tăng cường công tác cải cách hành chính, quản lý Nhà nước về đất đai, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại II trước năm 2020…