Toàn tỉnh hiện có gần 7.000 DN đang hoạt động với số vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng. Cộng đồng DN đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, khai thác khoáng sản... Để tạo điều kiện cho DN phát triển, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm, tổ chức các hội thảo, xúc tiến đầu tư, giúp DN trên địa bàn tỉnh kết nối với các DN lớn trong và ngoài nước. Hiện, Thái Nguyên là 1 trong 2 tỉnh có số DN và số hộ kinh doanh tốt nhất của 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt thời gian qua, tỉnh ta dẫn đầu trong các tỉnh có mức đầu tư nước ngoài cao với việc thu hút hơn 6,4 tỷ USD vốn FDI và là tỉnh được tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung lựa chọn xây dựng đại bản doanh. Một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh gần đây có sự thay đổi tích cực với chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các DN tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: Ghi nhận phản ánh từ phía các DN cho thấy, điều mà họ tâm đắc nhất là sự thân thiện, đồng hành của chính quyền địa phương đối với DN. Đơn cử như việc công khai số điện thoại cá nhân của lãnh đạo các cấp, tạo điều kiện cho người dân và DN có thể dễ dàng tiếp cận đã thể hiện sự thân thiện, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ của chính quyền với DN và công dân...
Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh luôn “xắn tay áo” chung sức giải quyết các vướng mắc giúp các nhà đầu tư; tăng cường tổ chức đối thoại với cộng đồng DN, doanh nhân để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, giúp các DN mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Riêng trong những tháng đầu năm nay, 3 sở ngành lớn của tỉnh đã tổ chức đối thoại với cộng đồng DN để giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Đó là Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực tế ở Thái Nguyên, các DN có tính phản biện cao nên Hiệp hội đã trực tiếp tập hợp từ các kênh thông tin được trên 60 kiến nghị của các DN, hội DN gửi tới các sở, ngành liên quan. Đơn cử, trong lĩnh vực xây dựng đã có 16 ý kiến, tập trung vào việc cấp phép hoạt động cho các mỏ vật liệu xây dựng để san lấp (mỏ đất) mất nhiều thời gian; những khó khăn trong thực hiện Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 3/11/2017 của UBND tỉnh về quản lý, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn…; đề nghị điều chỉnh mức lương cơ sở đầu vào; tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản mới; thông báo một số loại vật liệu kịp thời và phù hợp với thực tế. Còn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng có gần 30 ý kiến, tập trung vào các vấn đề, như: Thủ tục cấp quyền sử dụng đất, công tác trích đo địa chính, trích lục bản đồ địa chính gặp khó khăn; những vướng mắc của DN trong việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nguồn vật liệu san lấp cho dự án, thu phí khai thác khoáng sản; quy hoạch hạ tầng, viễn thông tại các khu, cụm công nghiệp; đề xuất, đề nghị rút ngắn quy trình xác định giá đất thực hiện giải phóng mặt bằng; tham mưu ban hành văn bản quy định chi tiết tiến độ thực hiện từng bước quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng và có chế tài nghiêm minh để xử lý... Sau các hội nghị đối thoại này, Hiệp hội DN tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở chỉ đạo, kiểm tra việc giải quyết những kiến nghị của DN, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thời, khẳng định: Với những cơ chế, chính sách thông thoáng, ưu đãi, chính quyền đã tạo được niềm tin cho cộng đồng DN trong tỉnh phát triển. Và quan trọng hơn, môi trường kinh doanh hấp dẫn là chỉ dấu quan trọng khẳng định những cải cách môi trường đầu tư và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt không thể thiếu vai trò quan trọng của cộng đồng DN..