Một ngày đầu tháng 9, đi thực tế tại các xã: Hồng Tiến, Nam Tiến, Tân Hương, Đông Cao, Thuận Thành... (T.X Phổ Yên), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của các vùng quê. Nhiều ngôi nhà cao tầng với kiểu kiến trúc hiện đại đua nhau mọc lên; những tuyến đường hoa khoe sắc nối dài giữa các xóm, thôn; hệ thống kênh mương thủy lợi đầy ăm ắp nước tưới cho đồng ruộng. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND Thị xã phấn khởi cho biết: Xác định giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí “xương sống”, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội để triển khai và hoàn thành các tiêu chí khác. Vì vậy, trong những năm qua, Thị xã đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nâng cấp và làm mới được 720km đường giao thông, nâng tổng số km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được cứng hóa đạt 72%. Cùng với việc tập trung nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, Thị xã cũng chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Từ đó, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, như: Sản xuất rau an toàn ở các xã Tiên Phong, Đông Cao, Minh Đức; sản xuất lúa chất lượng cao đại trà tại các xã Tiên Phong, Thuận Thành; sản xuất cây ăn quả: Nhãn, cam Vinh, bưởi Diễn... tại các xã Phúc Thuận, Minh Đức, Phúc Tân... Hiện nay, T.X Phổ Yên đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận là địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về trước so với kế hoạch 2 năm.
Người dân xóm Khe Lim, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) thu hái chè.
Rời T.X Phổ Yên ngược lên huyện Đại Từ, chúng tôi cũng cảm nhận được sự đổi thay rõ nét. Nhiều tuyến đường liên xóm, liên xã được trải nhựa, đổ bê tông phẳng phiu kết nối với các tuyến tỉnh lộ, Quốc lộ 37, tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân. Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chia sẻ: Ngoài các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, giai đoạn 2011-2015, huyện đã hỗ trợ 15 triệu đồng/xóm khi triển khai xây dựng mới nhà văn hóa xóm. Giai đoạn 2016-2020, tăng mức hỗ trợ lên 20 triệu đồng/ xóm, đồng thời hỗ trợ tối đa 10 tấn xi măng/xóm khi triển khai xây dựng công trình phụ trợ nhà văn hóa các xóm. Ngoài ra, hàng năm, huyện chỉ đạo ứng trước xi măng cho các xã để chủ động thực hiện đảm bảo tiến độ và kịp thời khích lệ động viên các xóm, các khu dân cư nông thôn. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 15/28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trung bình các xã đạt 16,5 tiêu chí và không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Đối với Phú Bình, thành công nổi bật trong xây dựng NTM 10 năm qua là huyện đã huy động được tổng nguồn lực thực hiện Chương trình đạt trên 5.120 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, huyện có 14/19 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/ năm (vượt 9 triệu đồng so với kế hoạch). Hiện, 3 xã là: Tân Hòa, Tân Kim và Nga My phấn đấu về đích NTM vào cuối năm nay, còn 2 xã Bàn Đạt, Tân Thành đạt 14 tiêu chí, phấn đấu về đích năm 2020. Nói về mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 60 triệu đồng/ người/năm; phấn đấu có ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM kiểm mẫu và 2 xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Công trình nhà lớp học 2 tầng của Trường Tiểu học xã Phúc Chu (Định Hóa) mới được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong quá trình xây dựng NTM, ngoài các cơ chế của Trung ương, xuất phát từ thực tế địa phương, tỉnh ta đã ban hành một số chính sách đặc thù. Cụ thể như: Giai đoạn 2013-2015, hỗ trợ xã điểm về đích NTM 2 tỷ đồng, xã còn lại 600 triệu đồng xây dựng hạ tầng nông thôn; mỗi năm hỗ trợ 50 nghìn đến 60 nghìn tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Đến giai đoạn 2016-2020, mức hỗ trợ cho các xã đã được nâng lên, đối với xã đăng ký đạt chuẩn NTM tối thiểu 4 tỷ đồng/xã/năm; xã NTM kiểu mẫu 2 tỷ đồng/xã/năm; xã còn lại tối thiểu 400 triệu đồng/ xã/năm và xã đạt chuẩn NTM tối thiểu 300 triệu đồng/xã/năm. Ngoài ra, mỗi năm, tỉnh phân bổ từ 75-100 nghìn tấn xi măng để hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành, thị cũng đã ban hành một số cơ chế riêng để thực hiện Chương trình. Cụ thể như, các huyện Định Hóa, Võ Nhai, T.X Phổ Yên hỗ trợ một phần kinh phí mua vật liệu (đá, cát, xi măng, ống cống…) làm đường giao thông nông thôn; các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình và Võ Nhai... hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa xóm; T.P Sông Công và huyện Định Hóa hỗ trợ xây dựng gia đình NTM, xóm NTM kiểu mẫu…
Nhận thức được ý nghĩa to lớn, thiết thực của chủ trương xây dựng NTM, người dân các địa phương trong tỉnh cũng tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền chung sức, đồng lòng thực hiện. Trong 10 năm qua, đã có hàng nghìn hộ dân hiến gần 600ha đất và nhiều cây cối, tài sản trên đất để phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Bà Linh Thị Đức, ở xóm Phương Bá, xã Dân Tiến (Võ Nhai) cho biết: Bà con xóm tôi đều sẵn sàng hiến đất cũng như đóng góp tiền, ngày công để xây dựng NTM. Bởi, chúng tôi được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến và giám sát xây dựng các công trình của xóm như đường giao thông, nhà văn hóa... Chúng tôi cũng hiểu rằng, xây dựng NTM sẽ góp phần phục vụ tốt hơn đời sống của người dân.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh chia sẻ: Trong quá trình thực hiện Chương trình, chúng tôi thường xuyên sâu sát cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chí; tổ chức giao ban, đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Từ đó, kịp thời đề xuất với tỉnh những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Đồng thời, tập trung công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM. Đến nay, xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động, rộng khắp; huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Tính đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,63 triệu đồng/ người/năm (tăng gấp 3,53 lần so với năm 2010); cao hơn 7,6% so với bình quân chung của cả nước (35,9 triệu đồng) và cao hơn 38% so với bình quân các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 20,57% (năm 2010), xuống còn 6,39% năm 2018.