Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong xây dựng NTM, Hội LHPN tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”; xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, giai đoạn 2017 - 2020”. Cùng với đó, Hội đã tích cực tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, hội viên về nội dung thực hiện; ký kết các chương trình phối hợp với 12 sở, ngành, đoàn thể để hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí 5 không 3 sạch; chú trọng xây dựng các mô hình điểm và khai thác, lồng ghép tối đa các nguồn lực. Hội LHPN tỉnh, huyện xây dựng 30 đề án, dự án và đề xuất với 15 tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện.
Các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí “5 không 3 sạch”, góp phần thực hiện 10/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đó là các tiêu chí về nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh, giao thông, môi trường và an toàn thực phẩm…
Hội LHPN Phú Lương là một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện phong trào phụ nữ chung sức xây dựng NTM. Chị Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lương chia sẻ: Cách làm của chúng tôi là xây dựng kế hoạch cụ thể, kiên trì thực hiện từng bước, gắn thi đua hàng năm của các đơn vị với việc xây dựng các mô hình mới. Do đó đã thúc đẩy được sự chủ động, sáng tạo, phát huy trí tuệ và sự vào cuộc nhiệt tình của chi hội, hội viên tại cơ sở. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã vận động được 300 hội viên hiến trên 62.000m2 đất, quyên góp 300 triệu đồng và trên 3.200 ngày công để làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng; thành lập 277 tổ, nhóm tiết kiệm với số tiền gần 8 tỷ đồng giúp chị em nghèo vươn lên...
Thực hiện khâu đột phá “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu giảm nghèo gắn với xây dựng NTM”, hàng năm, các cấp Hội đều rà soát danh sách hộ nghèo, xác định nguyên nhân và xây dựng kế hoạch giúp chị em tiếp cận các chương trình, nguồn vốn vay, như: Vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, Qũy Hỗ trợ phụ nữ nghèo, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; hoặc giúp đỡ bằng hình thức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, công lao động, xây dựng nhà Mái ấm tình thương. Trong 10 năm (2010 - 2019), các cấp Hội đã giúp hơn 198.000 hộ nghèo, trong đó có gần 13.000 hộ thoát nghèo.
Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ Thái Nguyên sản xuất kinh doanh giỏi”; thành lập câu lạc bộ “Vườn ươm khởi nghiệp”; phát động ngày phụ nữ khởi nghiệp đến cán bộ, hội viên phụ nữ; tập huấn cho hội viên kiến thức về khởi sự kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và các nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh vay vốn phát triển; triển khai chương trình “Chuỗi quầy hàng tiện ích phụ nữ tin dùng” đến các chi hội phụ nữ trong tỉnh. Ngoài ra, các cấp Hội cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế theo mô hình chuỗi khép kín sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ. Xây dựng 12 cửa hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn tại các huyện, xã; kết nối tiêu thụ nông sản của phụ nữ thông qua các phiên chợ, hội chợ, trưng bày tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Các tiêu chí "3 sạch" được nhiều địa phương lựa chọn ưu tiên thực hiện gắn với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm với nhiều hoạt động cụ thể. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sạch, đẹp. Thông qua hoạt động mô hình câu lạc bộ, nhiều chị em nhận thức được tầm quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Các hội viên tích cực tham gia xây dựng các đoạn đường không rác, trồng hoa ven đường; phân loại rác tại nguồn... Đến nay, 100% cơ sở Hội xây dựng 777 “Chi hội phụ nữ nòng cốt tham gia xây dựng NTM”; 623 mô hình “Thu gom rác thải”, 230 mô hình “thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng”; 278 chi hội xây dựng “Tổ phụ nữ tự quản nhà sạch - ngõ đẹp”.
Về vùng nông thôn giờ đây, dễ dàng nhận thấy những con đường hoa rực rỡ sắc màu, đường làng ngõ xóm sạch sẽ tinh tươm. Trên cánh đồng, mảnh vườn là rau màu, cây trái xanh mướt. Đời sống vật chất của người dân được cải thiện nên đời sống tinh thần được quan tâm hơn, phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi ở mỗi xóm, làng góp phần làm bức tranh nông thôn khởi sắc.