Kỳ I: Nhiều rào cản khiến doanh nghiệp “ngại”
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 7.000 DN nhưng chỉ có hơn 200 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này phần nào nói lên thực trạng nhiều DN chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Khó tiếp cận đất đai
Vài năm trở lại đây, nhắc đến cụm từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nhiều người dân không còn cảm thấy mới mẻ, lạ lẫm mà họ đã bắt đầu làm chủ công nghệ để tạo ra những sản phẩm năng suất, chất lượng. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến một số DN, hợp tác xã (HTX) đi tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đã thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, điều mà các DN kêu khó nhất, đó là vấn đề tiếp cận đất đai. Đơn cử như mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC của Công ty cổ phần công nghệ cao Trung Anh, ở xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên). Công ty đã ứng dụng CNC trong xây dựng nhà kính cùng hệ thống làm mát, hệ thống tưới tự động để trồng hoa lan, dưa lưới. Hiện nay, các thông số như độ ẩm, nhiệt độ... người quản lý đều có thể theo dõi và cập nhật được qua điện thoại thông minh có kết nối Internet. Đặc biệt, công ty có thể điều chỉnh nhiệt độ lên, xuống trong nhà kính tùy theo yêu cầu từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đồng thời, điều khiển hệ thống tưới tự động chỉ bằng một vài thao tác trên máy tính hay điện thoại thông minh, rất đơn giản mà lại hiệu quả, không mất nhiều công sức, thời gian lao động. Trao đổi cùng chúng tôi, anh Chử Quang Trung, Giám đốc Công ty chia sẻ: Khó khăn hiện nay chúng tôi đang gặp phải là chưa hoàn thiện về mặt bằng và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm cơ sở vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì khi thực hiện dự án tại đơn vị hành chính cấp xã mới được nhận hỗ trợ, còn đầu tư tại cấp phường thì lại không được hỗ trợ. Điều này rất thiệt thòi cho DN.
Bày tỏ quan điểm về nội dung trên, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chè Hà Thái cũng cho rằng, hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu phân tán nhỏ lẻ, manh mún. Nếu Nhà nước không vào cuộc trong việc dồn điền, đổi thửa để hình thành vùng sản xuất tập trung mà để DN tự thỏa thuận với người dân sẽ rất khó thực hiện. Cụ thể, đối với Công ty cổ phần chè Hà Thái, hiện mới chỉ có 50ha chè do đơn vị trực tiếp quản lý, còn lại là liên kết với các hợp tác xã và bà con nông dân. Khi được giá thì họ bán nguyên liệu cho tiểu thương, khi rớt giá họ mới bán nguyên liệu cho DN nên Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc chủ động nguyên liệu sản xuất. Bà Hiền bày tỏ: Chúng tôi đề nghị tỉnh tạo điều kiện về thủ tục giao đất cho Công ty tại vùng liền kề với xưởng chế biến chè để DN chủ động xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè hữu cơ theo mô hình sản xuất tập trung, tạo thêm việc làm cho bà con địa phương.
Như vậy, có thể thấy, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rất khó tìm được quỹ đất phù hợp để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp. Bởi, hiện nay, tỉnh ta chưa có quy hoạch cụ thể các vùng nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu và DN đụng đâu vướng đó. Đại diện một số đơn vị cũng phản ánh, trong khi các dự án công nghiệp được Nhà nước ưu đãi, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, đất đai cùng các công trình phụ trợ như điện, nước, DN chỉ việc vào đầu tư sản xuất thì đối với các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phải tự lo toàn bộ.
“Chật vật” tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhất hiện nay; có thể kể đến một số văn bản cụ thể như: Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Gần đây nhất, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều thay đổi về cơ chế hỗ trợ, từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hình thức miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo... Riêng nông nghiệp ứng dụng CNC cũng có nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra như tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu CNC, DN hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu… Đặc biệt, theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước về chương trình cho vay ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thì các doanh nghiệp được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo, cơ cấu về thời hạn trả nợ cho vay được thay đổi...
Vậy nhưng, theo phản ánh của các DN thì chính sách tín dụng cho nông nghiệp đã có nhưng chưa đi vào đời sống. Hầu hết DN vẫn chưa tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng bởi chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, không đáp ứng được các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục của ngân hàng. Bà Đỗ Thị Đức Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình phản ánh: DN đầu tư một khoản lớn vào thuê đất, xây dựng hạ tầng sản xuất nhưng khi vay vốn ngân hàng thì những tài sản hình thành trên đất không được tính vào giá trị tài sản thế chấp. Ví dụ, 1ha đất đầu tư xây dựng nhà lưới tốn từ 4-5 tỷ đồng nhưng khi muốn thế chấp vay vốn thì chỉ được định giá theo giá đất nông nghiệp thông thường khoảng vài trăm triệu đồng/ha. Với khoản vay đó, DN không đủ để tổ chức sản xuất, thuê nhân công và tìm kiếm thị trường phân phối.
Ở một khía cạnh khác, nhiều DN cho rằng, nếu cứ hỗ trợ bằng miễn giảm tiền cho thuê đất của Nhà nước trong khi thực tế, quỹ đất công để cho thuê sản xuất nông nghiệp hầu như không có; DN, người sản xuất phải tự thỏa thuận thuê đất của người dân thì chính sách hỗ trợ “có cũng như không.”
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, điều kiện vay vốn chặt chẽ, lãi suất vay tại các ngân hàng thương mại cao, chưa có chính sách riêng về khuyến khích tập trung đất đai, hỗ trợ lãi suất cho DN vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… Đây là một trong những rào cản khiến các DN chưa tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi.
Chi phí sản xuất cao
Khác với các lĩnh vực khác, đối với đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp CNC đòi hỏi nguồn vốn lớn, chi phí sản xuất cao. Trong khi đó, khả năng quay vòng vốn chậm. Bên cạnh đó, các DN, HTX cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, dịch bệnh, chưa có thị trường đầu ra tiêu thụ ổn định. Anh Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX Rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) thông tin: HTX hiện có 11 thành viên và 129 hộ dân liên kết sản xuất trên tổng diện tích canh tác là 39ha, trong đó có gần 50% là rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường 6 tấn rau các loại, trong đó, chỉ có khoảng 1/3 được bán cho một số cửa hàng thực phẩm an toàn, trường học, bếp ăn tập thể, còn lại là tiêu thụ tại các chợ truyền thống, giá cả lên xuống bấp bênh tùy thuộc thị trường. Dù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng khi bán ngoài chợ, rau vẫn bị đánh đồng với rau sản xuất thông thường và phải cạnh tranh về giá cả.
Hay tại HTX Chè trung du Tân Cương (T.P Thái Nguyên), băn khoăn, trăn trở lớn nhất của các thành viên HTX là làm thế nào để có nguồn vốn đầu tư cho sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX mới chủ yếu sản xuất chè búp khô các loại. Nhận thấy nhu cầu của thị trường về các sản phẩm trà ướp hương hoa, trà túi lọc, chúng tôi muốn đầu tư sản xuất các sản phẩm mới. Vậy nhưng, các loại máy móc như máy sấy lạnh, máy sản xuất túi lọc lại khá đắt đỏ, có loại trị giá hàng tỷ đồng. Do chưa có tiền đầu tư nên đối với sản phẩm trà túi lọc, HTX vẫn chưa thể triển khai.
Đối với HTX Rau an toàn Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ), năm 2017, vừa mới xây dựng xong nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt, đầu tư sản xuất chưa được 1 năm thì gặp trận mưa giông lớn khiến toàn bộ nhà kính bị đổ sập, ước tính thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. HTX lại phải bắt tay gây dựng lại từ đầu để duy trì sản xuất. Anh Nguyễn Quang Nạp, thành viên HTX cho biết: Tại thời điểm đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể như: Thiếu vốn để đầu tư sản xuất; khi có sản phẩm rau, củ, quả xuất bán thì lại chưa có đầu ra ổn định, giá bán thấp; trong khi đó, chi phí sản xuất tăng cao.
Ngoài các nguyên nhân nói trên thì còn có nguyên nhân do công tác tuyên truyền nội dung chính sách của các cấp, các ngành, các đơn vị tới DN chưa được quan tâm đúng mức; một số DN quan tâm đầu tư theo các chính sách của tỉnh nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ. Mặt khác, điều kiện vay vốn chặt chẽ, lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại cao… cũng là một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, các DN cần lựa chọn sản phẩm đặc trưng và công nghệ thích hợp để đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững. |
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh: Thời gian qua, đã có nhiều DN đầu tư xây dựng được một số thương hiệu nông sản có thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài của các DN, HTX còn hạn chế do chưa nắm được các quy định của thương mại quốc tế. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây (Phú Bình): Mặc dù đã đầu tư hệ thống giết mổ tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chúng tôi vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Chúng tôi mong muốn tỉnh tạo điều kiện kết nối để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. |