P.V: Trước hết, bà có thể giới thiệu khái quát về tiềm năng văn hóa phi vật thể của tỉnh Thái Nguyên?
Bà Lê Thị Thu Hà: Thái Nguyên là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, nhất là các giá trị văn hóa phi vật thể. Thực hiện Ðề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020", đến nay đã có 550 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn được lập danh mục. Trong số này, 17 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc 5 loại hình, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Ðây là nguồn tài liệu quý nhằm nhận diện, xác định sức sống của từng di sản và làm cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị trong cộng đồng.
P.V: Hệ thống di sản văn hoá phi vật thể là một điểm nhấn của Thái Nguyên với nhiều giá trị đặc sắc. Ngành đã có giải pháp như thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy được các giá trị này trong đời sống cộng đồng?
Bà Lê Thị Thu Hà: Có thể khẳng định, đến thời điểm này hầu hết di sản văn hóa phi vật thể ở Thái Nguyên được bảo tồn hiệu quả. Trong đó, không ít đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Có thể kể đến một số ví dụ tiêu biểu, như: Múa tắc xình của người dân tộc Sán Chay ở Phú Lương; nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông ở Đồng Hỷ; rối cạn của người Tày ở Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh và Thẩm Rộc, xã Bình Yên (Định Hóa)…
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, ngành Văn hóa đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể là, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định ban hành kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh; chủ động ký kết với Ban Dân tộc tỉnh để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Bằng nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh và chương trình mục tiêu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp, ngành Văn hoá cũng thực hiện một số đề tài khoa học có ý nghĩa, như: Sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Thái Nguyên; phục dựng đám cưới của người Tày ở xã Lam Vỹ (Định Hoá); đám cưới của dân tộc Sán dìu, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ); Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Dìu, xã Tức Tranh (Phú Lương)…
P.V: Quản lý di sản văn hóa, trong đó có văn hóa phi vật thể vốn là lĩnh vực khá nhạy cảm, ở Thái Nguyên hoạt động này liệu có đối diện với những khó khăn, thách thức gì không, thưa bà?
Bà Lê Thị Thu Hà: Quả thực đây là lĩnh vực khá nhạy cảm, vì nó thể hiện bản sắc mỗi dân tộc, liên quan tới đời sống sản xuất, cũng như sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập hiện nay thì di sản văn hoá không tránh khỏi bị tác động của các yếu tố văn hoá mới; các đồ thờ, biểu tượng, linh vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục bản địa; sự hiểu biết chưa đầy đủ trong hoạt động bảo tồn văn hóa... Thái Nguyên không phải trường hợp ngoại lệ. Điều này đòi hỏi ngành chuyên môn phải thường xuyên cập nhật, tham mưu ban hành các biện pháp, chính sách phù hợp. Đồng thời cùng các cấp chính quyền xử lý hài hòa, thỏa đáng những mối quan hệ giữa: kinh tế và văn hóa, phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại… Trong số các giải pháp, việc huy động sức mạnh của cả cộng đồng có vai trò rất quan trọng.
P.V: Như trên đề cập, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể là rất quan trọng, vậy tỉnh ta đã triển khai những hoạt động gì để phát huy nhân tố này?
Bà Lê Thị Thu Hà: Di sản văn hóa phi vật thể liên quan trực tiếp đến con người cụ thể. Khi cộng đồng thay đổi, quy định tập quán, phương thức sống của từng địa phương thay đổi… thì di sản văn hóa phi vật thể cũng thay đổi theo. Thời gian qua, ngành chuyên môn và chính quyền các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động văn hóa trong cộng đồng dân cư. Nhất là phục dựng các phong tục, lễ hội truyền thống; thành lập nhiều câu lạc bộ để luyện tập, giao lưu và trình diễn văn hóa dân gian; tổ chức nhiều lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Các cơ quan, tổ chức luôn theo sát nghệ nhân, những “báu vật sống” lưu giữ di sản văn hóa để giúp họ thực hành, truyền dạy và có trách nhiệm hơn với di sản mình đang nắm giữ. Điều quan trọng nhất là các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức được đẩy mạnh để người dân cảm thấy tự hào, gắn bó và tiếp tục duy trì, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng, dân tộc mình như một nhu cầu tự thân.
P.V: Xin cảm ơn bà!