Như chúng ta đã biết, Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Theo đó, lần đầu tiên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 20162020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 20162020 được xây dựng đồng thời trong toàn quốc. Điều này tạo sự đổi mới căn bản trong công tác lập kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH theo từng giai đoạn 5 năm. Năm nay là năm các địa phương phải xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn tiếp theo. Bởi vậy, việc rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 4 năm qua được cho là cần thiết, nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới sát với tình hình thực tiễn và khả năng phân bổ vốn nhà nước. Xuất phát từ lý do đó nên Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định tổ chức giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện nội dung này trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát và làm việc tại 9 huyện, thành phố, thị xã và 8 sở, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời tiến hành khảo sát trực tiếp gần 50 công trình, dự án thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn đã được phê duyệt tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh là hơn 10.180 tỷ đồng; tổng số vốn đã được phân bổ là hơn 7.703 tỷ đồng, bằng 75,67% tổng số vốn đã được phê duyệt.
Nhìn chung, các công trình, dự án khởi công, thực hiện từ năm 2016 đến nay đều nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và đầu tư công hằng năm của tỉnh và các địa phương; việc thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ của các công trình dự án cơ bản thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Các dự án, công trình được đầu tư, đưa vào sử dụng cơ bản đảm bảo các mục tiêu đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng còn không ít vướng mắc, bất cập trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các đơn vị, địa phương. Đó là: Việc phân bổ vốn đầu tư các dự án còn dàn trải, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước; nhiều đơn vị cấp huyện đề xuất bổ sung vốn ngân sách địa phương (NSĐP) cấp tỉnh để đầu tư các dự án không có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; quyết định đầu tư một số dự án khi chưa cân đối bổ sung nguồn vốn thực hiện; năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, việc thuê đơn vị tư vấn thiết kế không sát với thực tế thi công làm dự án phải điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của dự án; nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ hoặc không bổ sung vốn đầu tư nên chậm tiến độ thực hiện dự án; có tới 3 đơn vị cấp huyện không phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nhu cầu vốn còn thiếu của ngân sách địa phương để đầu tư hoàn thành các chương trình, dự án trong giai đoạn 2016-2020 là 1.081 tỷ đồng.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nguyên nhân khiến nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thiếu so với nhu cầu, trong đó không thể không kể đến đó là nguồn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) đầu tư các chương trình mục tiêu gặp khó khăn, phải cắt giảm khoảng 50% so với kế hoạch ban đầu, khiến vốn NSĐP phải đối ứng cho các dự án sử dụng NSTW. Còn theo ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, nguyên nhân khiến tổng mức đầu tư các dự án thường tăng cao là vì đặc thù của các dự án công trình thủy lợi kể từ khi dự án được lập đến khi được phê duyệt thường mất thời gian khá dài. Kể cả khi đã được phê duyệt thì đến lúc được bố trí vốn cũng vẫn mất thêm từ 1-3 năm. Điều này khiến đơn giá thay đổi. Bên cạnh đó, khi lập dự toán ban đầu, do nguồn kinh phí có hạn nên các chủ đầu tư thường chỉ tập trung xin đầu tư các công trình hạng mục chính; còn các hạng mục tiếp theo như kênh, cống nước, cầu dân sinh
thường để vào dự án sau. Nhưng trong quá trình đầu tư, trước nguyện vọng của người dân muốn hoàn thiện tương đối hệ thống để khi công trình đi vào sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất nên kiến nghị chủ đầu tư xây dựng thêm các công trình này.
Ở một góc độ khác, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho rằng, do nguồn vốn trong giai đoạn 2016-2020 còn khó khăn nên dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Về nguyên nhân khiến hầu hết các dự án đều chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại, vướng mắc; nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao. Cùng với đó, việc triển khai Luật Đầu tư công cũng như các văn bản hướng dẫn còn lúng túng; năng lực đơn vị tư vấn, nhà thầu và chủ đầu tư còn hạn chế… Chính từ những nguyên nhân này nên một trong những kiến nghị mà Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đối với UBND tỉnh đó là cho đình hoãn, giãn tiến độ một số dự án không bố trí đủ NSĐP đầu tư theo quy định.
Thiết nghĩ, việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn kết với Kế hoạch Phát triển KT-XH theo giai đoạn 5 năm là để tạo động lực cho sự phát triển của từng ngành, từng địa phương. Nhưng trong quá trình thực hiện đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Thực tế này đặt ra cho mỗi đơn vị, địa phương cần phải nghiên c?u k?, th?c hi?n nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các văn bản, quy định khác có liên quan. Cùng với đó là đổi mới nhận thức và cách làm trong việc lập, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tính toán sát nhu cầu, khả năng triển khai và hiệu quả mang lại của từng dự án. Cần thiết đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong việc để xảy ra tình trạng sử dụng vốn đầu tư công kém hiệu quả. Có như vậy, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn tiếp theo mới mang lại hiệu quả như mong muốn, tránh dàn trải, lãng phí NSNN.