Chị Nguyễn Thị Linh, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Do mắc bệnh THA, đầu tháng 1 năm nay, mẹ tôi đã bị tai biến mạch máu não và mất. Mỗi khi nhớ đến người mẹ quá cố, tôi rất đau lòng. Giá như không chủ quan với bệnh THA, có lẽ giờ này mẹ tôi vẫn sống bên con, cháu.
Qua lời kể của chị Linh chúng tôi được biết, trước khi mất, mẹ chị mắc bệnh THA mãn tính hơn 5 năm. Gia đình đã nhiều lần đưa bà đến bệnh viện làm hồ sơ bệnh án để được theo dõi, điều trị nhưng chỉ được đôi, ba tháng, bà lại không đến khám, lấy thuốc theo định kỳ mà tự mình đi mua thuốc về uống. Vì uống không đều, có lúc bỏ thuốc vài ngày, khi thấy huyết áp tăng cao mới uống nên trong một cơn THA bà đã bị xuất huyết não. Ngay khi có triệu chứng THA, gia đình đã đưa bà tới bệnh viện cấp cứu nhưng do vùng xuất huyết quá lớn nên bà đã tử vong.
Thực tế cho thấy THA là căn bệnh có thể dễ dàng gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người già. Bệnh được xác định bởi 2 chỉ số: huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic). Đối với người bình thường, chỉ số này đo được là 120/80 (systolic/diastolic), còn đối với người mắc bệnh THA, chỉ số tăng mạnh tới 140/90. Các biến chứng của bệnh THA rất đa dạng và ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống con người. Đây là căn bệnh mãn tính có thể gây ra suy tim, đột quỵ, liệt toàn thân, mù vĩnh viễn… Trong đó, biến chứng thường gặp nhất ở những người cao tuổi mắc bệnh THA là tai biến mạch máu não dẫn đến liệt toàn thân, bán thân hoặc gây tử vong.
Hiện tại, những bệnh nhân THA mãn tính, khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh đều được làm hồ sơ bệnh án để được theo dõi và cấp thuốc điều trị miễn phí hằng tháng. Đặc biệt, để thuận lợi cho người dân, ngành Y tế đã chủ động đưa chương trình quản lý điều trị THA về tuyến xã. Những người mắc bệnh THA đều được quản lý hồ sơ bệnh án, điều trị, cấp thuốc ngay tại trạm y tế nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, đến nay, mới có trên 15,5 nghìn bệnh nhân trong tỉnh có hồ sơ quản lý, trong đó hơn 9,2 nghìn người theo dõi ở các cơ sở y tế tuyến huyện, số còn lại được quản lý điều trị tại tuyến xã. Thực tế này cho thấy, nhiều người mắc bệnh THA còn chủ quan nên chưa đến các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và lấy thuốc chữa bệnh thường xuyên, đúng kỳ. Bác sĩ Nguyễn Thị Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên cho rằng: Nhiều bệnh nhân còn mắc tâm lý ngại đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh THA, dù khi đến các bệnh viên, trạm y tế… những bệnh nhân THA đều được tạo điều kiện để được thăm khám rất thuận tiện, nhanh chóng. Do đó, những người có bệnh nên chủ động đến bệnh viện để có hồ sơ quản lý bệnh án, được điều trị và cấp thuốc miễn phí theo chế độ bảo hiểm y tế…
Cũng theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Thị Nguyên, để làm giảm nguy cơ THA, mỗi người cần cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong gia đình. Còn khi đã bị bệnh THA, các bệnh nhân không nên ăn mặn; tránh uống rượu, bia, hút thuốc lá và ăn các thực phẩm có nhiều mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau, trái cây (đối với những trường hợp mắc bệnh THA nhưng không bị bệnh đái tháo đường)...
Bên cạnh đó, để đạt được huyết áp mục tiêu, người bệnh bắt buộc phải dùng thuốc đúng chủng loại, đầy đủ và liên tục theo chỉ định của thầy thuốc. Khi có chỉ định dùng thuốc điều trị, cần tuân thủ chặt chẽ theo đúng các chỉ dẫn của thầy thuốc. Việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (biến chứng của cao huyết áp trên tim, não, thận, mắt, mạch máu…).
Hiện nay, ngày càng có nhiều loại thuốc có hiệu quả cao trong điều trị THA, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải là sự tuân thủ điều trị của người bị cao huyết áp còn kém, làm cho số bệnh nhân đạt được huyết áp mục tiêu chưa đạt như mong muốn (đến nay, có khoảng trên 11,7 nghìn bệnh nhân trên địa bàn tỉnh được quản lý, khám, cấp thuốc hằng tháng đạt huyết áp mục tiêu). Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế rất cần sự chủ động, tích cực hợp tác trong điều trị của mỗi bệnh nhân.