Để thực hiện hiệu quả mô hình này, hằng năm, Chi cục Dân số, KHHGĐ – đơn vị triển khai đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng, các đoàn thể xây dựng và củng cố mạng lưới cung cấp thông tin, tư vấn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng cung cấp dịch vụ… cho cán bộ làm công tác dân số. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tổ chức được 3 lớp tập huấn về kiến thức chuyên môn, kỹ năng truyền thông, tâm sinh lý vị thành niên/thanh niên cho 190 người là cán bộ phụ trách công tác dân số, KHHGĐ của trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã và trạm y tế các xã, thị trấn trong tỉnh tham gia.
Anh Mai Xuân Thu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lục Ba (Đại Từ) nói: Chúng tôi đều nắm rất rõ mục tiêu của mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đó là, đáp ứng cơ bản nhu cầu cần thiết được thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS)/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên và khám sức khỏe, phát hiện, tư vấn về phòng tránh nguy cơ sinh con bị dị tật, khuyết tật cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn. Bởi vậy, các trường hợp nam, nữ đang độ tuổi kết hôn khi đến Trạm khám, chữa bệnh đều được chúng tôi lồng ghép tuyên truyền để họ hiểu được ý nghĩa của mô hình và chủ động đi khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Cùng với đó, hằng năm, Chi cục Dân số, KHHGD còn phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cấp phát tờ rơi… cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên về các nội dung, như: Sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Riêng 9 tháng năm 2019, Chi cục đã tổ chức tư vấn được 392 buổi, nói chuyện chuyên đề được 360 buổi thu hút hơn 15 nghìn lượt người tham gia. ngoài ra, còn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xóm được trên 880 buổi; cấp phát 3.795 tài liệu như tờ rơi, cẩm nang, sách; cung cấp kiến thức cho đối tượng vị thành niên, thanh niên tại 46 trường trung học với trên 7.000 học sinh tham gia…
Có thể thấy, thông qua các hoạt động của mô hình đã giúp cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên và những người chuẩn bị kết hôn trên địa bàn tỉnh nâng cao hiểu biết về pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, nâng cao kỹ năng sống, chuyển đổi nhận thức, hành vi về KHHGĐ, tăng cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, góp phần làm giảm tỷ lệ nạo phá thai, giảm tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là HIV/AIDS, tăng tỷ lệ các bà mẹ được phát hiện sớm các bệnh đường sinh sản, giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng dân số.
Chị Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ nhấn mạnh: Hôn nhân là kết quả của sự hòa hợp giữa hai con người trên hai phương diện: Tình thần tình yêu, thể xác - tình dục. Còn “tiền hôn nhân” là thời gian từ lúc một người bắt đầu dậy thì đến khi lập gia đình. Đối tượng tiền hôn nhân là vị thành niên, thanh niên và các cặp nam - nữ chuẩn bị kết hôn. Do đó, từ thực hiện mô hình này đã giúp cho các cặp vợ chồng có được sự chuẩn bị về tâm lý, kiến thức đúng cho đời sống vợ chồng hạnh phúc, bền vững, phát hiện, điều trị sớm những vấn đề ảnh hưởng đến mang thai, vô sinh...
Ngoài những ý nghĩa trên thì một điều cần khẳng định nữa là việc thực hiện mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân rất phù hợp với Pháp lệnh dân số, nghị định số 104/2003/nĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh dân số, và nghị quyết số 47-nQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ chính trị đã nhấn mạnh:” nâng cao chất lượng dân số Việt nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.