Cập nhật: Thứ ba 29/10/2019 - 09:20
Anh Nông Thanh Tuân, Bí thư Chi bộ xóm Nà Áng, xã Quy Kỳ (Định Hóa) đã vận động nhân dân hiến trên 1.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn.
Anh Nông Thanh Tuân, Bí thư Chi bộ xóm Nà Áng, xã Quy Kỳ (Định Hóa) đã vận động nhân dân hiến trên 1.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn.

Họ thuộc thế hệ 8x, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, nỗ lực học hỏi, tìm tòi và có những cách làm hay để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Làm gì để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân luôn là mục tiêu mà những bí thư chi bộ trẻ ở các thôn, xóm vùng sâu, xa luôn hướng tới.

Kỳ 1: Trưởng thành từ gian khó

Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng nhiều người đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ làm bí thư chi bộ tại các thôn, xóm khó khăn. Qua đó, họ từng bước trưởng thành và đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng dân cư. 

Anh Hoàng Văn Đức, sinh năm 1988, Bí thư Đoàn xã Thần Sa (Võ Nhai) sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ xóm Thượng Kim từ tháng 8-2019. Anh Đức chia sẻ: Do nhiều năm không phát triển được đảng viên, xóm Thượng Kim chỉ có 1 đảng viên, phải tham gia sinh hoạt ghép với Chi bộ xóm Tân Kim. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã quyết định chuyển tôi và 2 đảng viên khác ở Chi bộ cơ quan vào sinh hoạt để thành lập Chi bộ xóm, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, tôi đã đưa hoạt động của Chi bộ vào quy củ, chủ động phối hợp với Công ty TNHH Thủ đô Gió Ngàn (đóng trên địa bàn xóm) xây dựng, nâng cấp đường nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên 60% số diện tích ruộng của xóm đã cấy được 2 vụ lúa/năm.

Đối với anh Nông Thanh Tuân, dân tộc Tày, sinh năm 1989, Phó Trưởng Công an xã Quy Kỳ (Định Hóa) vừa được Đảng ủy xã giao thêm nhiệm vụ Bí thư Chi bộ xóm Nà Ang kể từ tháng 8 vừa qua. Ông Lưu Đức Hồng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Đồng chí Tuân về làm Bí thư Chi bộ đúng vào thời điểm người dân trong xóm triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn. Đó là thử thách đầu tiên của đồng chí khi nhận nhiệm vụ mới, bởi Nà Ang là xóm đặc biệt khó khăn, chỉ có 40 hộ dân, việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình rất khó khăn”. Trước thực tế đó, anh Tuân đã họp Chi bộ ra nghị quyết chuyên đề về làm đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, anh cùng các đảng viên dành thời gian xuống khảo sát hiện trạng đường để nắm bắt những vị trí gặp khó khăn; đồng thời tuyên truyền, vận động, lắng nghe nguyện vọng của các hộ dân. Anh Tuân đã vận động được người dân hiến trên 1.000m2 đất, 80% số hộ đóng tiền đối ứng. Đến nay, mặt bằng đã được giải phóng xong và đã kịp bàn giao cho đơn vị thi công trong tháng 10 này. 

Nhận nhiệm vụ ở thôn, xóm miền núi, vùng cao tuy vất vả, khó khăn nhưng nhiều bí thư chi bộ 8x luôn hết lòng vì việc chung. Hẹn gặp chúng tôi tại Khu tái định cư nằm ngay trung tâm xã Linh Thông (Định Hóa), anh Ma Văn Phương, sinh năm 1986, Bí thư Chi bộ xóm Nà Chát, xã Linh Thông cho biết: 32 hộ dân sống trong vùng thiên tai của xã được di dời đến Khu tái định cư này. Trong đó, xóm Nà Chát có tới 14 hộ và đến nay đều đã sinh sống ổn định... Thế nhưng ít ai biết rằng, cách đây 3 năm, anh Phương đã phải vất vả như thế nào mới có thể vận động được bà con di dời ra ở Khu tái định cư. Bởi từ bao đời nay, bà con vẫn quen sống gần rừng cây, ven suối. Để thay đổi điều này, anh đã cùng những người có uy tín trong xóm đến vận động từng hộ với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đối với những hộ khó vận động, anh Phương bền bỉ tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ròng rã suốt 1 năm, anh đã vận động được hết các hộ ra ở Khu tái định cư.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Toản, sinh năm 1980, Bí thư Chi bộ xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hóa), anh Hoàng Văn Sỉnh, sinh năm 1984, Bí thư Chi Bộ xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) lại được biết đến là những người mở hướng phát triển kinh tế cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Trong đó, anh Nguyễn Văn Toản đã có vai trò đưa mô hình nuôi thỏ tai vểnh xuất bán cho một số công ty của Nhật Bản. Anh chia sẻ: Qua nghiên cứu sách, báo, tôi biết đến mô hình nuôi thỏ với nhiều ưu điểm hơn so với nuôi lợn, gà… Vì thế, năm 2015, tôi cùng Trưởng xóm đi nhiều nơi tìm hiểu và triển khai mô hình ở nuôi thỏ tai vểnh ở xóm. Cũng trong năm đó, xóm được Quỹ toàn cầu hóa Seamaul Hàn Quốc hỗ trợ thực hiện Dự án Xây dựng nông thôn mới. Anh Phương đã tham mưu cho tổ chức này thực hiện mô hình nuôi thỏ hỗ trợ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để nâng cao thu nhập. Theo đó, có 3 hộ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để mua con giống. Đến nay, trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 2.000 con, xuất bán khoảng 120 con/tháng, thu lãi trên 10 triệu đồng/tháng, 2/3 hộ đã hoàn vốn cho tổ chức Hàn Quốc và thoát nghèo. Tương tự, anh Hoàng Văn Sỉnh là người góp phần giúp đồng bào dân tộc Mông ở xóm mạnh dạn đầu tư phát triển cây chè để nâng cao thu nhập. Từ chỗ chỉ có vài hộ, đến nay, hầu hết các hộ của xóm Khe Cạn đều trồng chè với tổng diện tích trên 17ha, cho thu nhập trung bình khoảng 40 triệu đồng/hộ/năm. Cây chè đã trở thành cây trồng chính giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu... 

Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa: Thực hiện công tác trẻ hóa cán bộ, Huyện ủy đã triển khai Đề án “Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý cấp huyện và cơ sở, giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, nhiều cấp ủy cấp xã đã chỉ đạo xây dựng, quy hoạch cán bộ trẻ, trong đó có đội ngũ bí thư chi bộ.  

Ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá (Võ Nhai): Từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy xã đã mạnh dạn đưa 5 đảng viên trẻ trẻ tuổi làm bí thư chi bộ thôn, xóm. Đây chính là nguồn cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã sau này.

Hoàng Cường - Đức Anh
(còn nữa)