Mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhưng thời gian qua, vẫn có 7/9 huyện, thành phố, thị xã có các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. theo đó, huyện Phú Bình tăng cao nhất với 129 trẻ, tiếp đó là huyện Đại Từ: 105 trẻ; Định Hóa: 38 trẻ; Phú Lương: 23 trẻ; các địa phương còn lại là T.P Thái Nguyên, huyện Võ Nhai, T.X Phổ Yên, mỗi địa phương tăng từ 7 đến 16 trẻ. Điều đáng nói là, số cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên có 68 trường hợp, tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên chủ yếu tập trung vào những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, sinh con một bề. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc (Đại Từ) cho hay: Khi không còn phải lo cái ăn, cái mặc, đời sống dư giả, nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề đã quyết định sinh thêm con. Họ viện dẫn rất nhiều lý do như sinh thêm con để “dự phòng”, áp lực tâm lý của gia đình nhà chồng, “lỡ” có thai mà không nỡ bỏ, sinh con ngoài ý muốn (nếu lỡ có thai, phá bỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe)…
Một trong những nguyên nhân nữa khiến cho các trường hợp sinh con thứ ba trở lên tăng là do việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chưa đủ sức răn đe nên chưa có tác dụng nêu gương cho người dân. Hiện, mức xử lý đảng viên vi phạm chính sách DSKHHGĐ (sinh con thứ 3 trở lên) chỉ là kiểm điểm khiển trách, cảnh cáo trong Đảng.
Có thể thấy, các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên hầu hết là những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái. Họ đã “nhờ” tới các biện pháp hiện đại của y học để sinh được con trai cho có “nếp”, “tẻ” và có người nối dõi tông đường. Chính tư tưởng trọng nam khinh nữ như vậy đã dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh. Trên địa bàn tỉnh, số trẻ trai/100 trẻ gái đang là trên 109 trẻ. Nếu sự mất cân bằng giới tính tiếp tục duy trì như thời điểm này thì nguy cơ các trẻ em là nam khi trưởng thành sẽ khó lấy vợ, có thể phải sống độc thân suốt đời. Đó là chưa đề cập tới những rủi ro khi các bà mẹ phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi hoặc các mối nguy hiểm ở mỗi lần sinh. Đặc biệt, nếu số trẻ là con thứ 3 tiếp tục được sinh ra, không chỉ gia tăng về trường lớp, các dịch vụ kèm theo như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế... cũng cần phát triển theo. Kéo theo đó, tỉnh sẽ phải tốn thêm nhiều nguồn lực cho các nghiên cứu để nắm được thực trạng tỷ số giới tính khi sinh tăng cao ở các địa phương, tìm nguyên nhân của thực trạng này để làm căn cứ đề xuất các biện pháp can thiệp…
Trước thực trạng này, nếu không quyết liệt vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, sẽ ảnh hưởng đến quy mô cũng như chất lượng dân số những năm tiếp theo. Do vậy, để giảm các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, trong khi chưa có quy định nào xử lý đủ sức răn đe thì công tác tuyên truyền vẫn nên được tỉnh đặt lên hàng đầu. theo đó, các cấp ngành, địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, cán bộ nhân viên y tế cơ sở nên tiếp tục tăng cường tuyên truyền về chính sách Ds-KHHGĐ với nhiều hình thức phong phú. trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền trực tiếp tại các gia đình; qua các cụm loa truyền thanh cấp xóm, xã. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả các chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến phụ nữ, nam giới trong độ tuổi sinh đẻ một cách thuận tiện nhất.
Song song với đó là duy trì hoạt động của các câu lạc bộ, các mô hình dân số một cách hiệu quả. Chính quyền các địa phương nên giữ vai trò trung tâm điều phối, kết nối các đoàn thể phối hợp chặt chẽ cùng vận động hội viên; các làng văn hóa đưa chính sách DS-KHHGĐ thành tiêu chí thi đua đánh giá các gia đình thực hiện hương ước làng hằng năm. Quan trọng là phải phát huy tích tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số tại từng địa bàn trong công tác tuyên truyền, vận động để việc thực hiện chính sách dân số có hiệu quả…