Cập nhật: Thứ hai 18/11/2019 - 11:35
Nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm rất lớn, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được. Trong ảnh: HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Liên Sơn, thuộc xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) đang tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động.
Nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm rất lớn, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được. Trong ảnh: HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Liên Sơn, thuộc xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) đang tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động.

Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/ NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm vừa chính thức có hiệu lực ngày 8-11 vừa qua. Theo đó, mức vay vốn tạo việc làm được nâng lên gấp đôi so với trước. Điều này tạo điều kiện cho người lao động và các cơ sở có thêm cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông LÊ VĂN HỒNG, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Thái Nguyên.

P.V: Trước hết, ông có thể đánh giá về nhu cầu vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Lê Văn Hồng: Nhu cầu các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH ở Thái Nguyên tương đối lớn, nhất là vốn giải quyết việc làm. Nhu cầu đặc biệt cao ở các địa bàn như: T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên. Ở những nơi này, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đã giảm xuống ở mức thấp nên cần nhiều hơn vốn giải quyết việc làm, nhất là những người cao tuổi không thể đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, việc bố trí vốn cho chương trình mới đáp ứng được một phần nhỏ. Chúng tôi hiện có tổng dư nợ xấp xỉ 3.400 tỷ đồng, trong đó vốn vay giải quyết việc làm chỉ khoảng 151 tỷ đồng, với trên 3.000 khách hàng. Thực tế cho thấy, nguồn vốn này đang phát huy tốt hiệu quả và tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức rất thấp.

P.V: Theo quy định mới của Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, đối tượng nào được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm và mức vay cụ thể được tính như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Hồng: Đối tượng của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là người lao động; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Theo quy định, người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng/người (mức tối đa cũ là 50 triệu đồng). Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho một lao động được tạo việc làm (mức tối đa cũ là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng/người). Mức cho vay cụ thể do Ngân hàng CSXH xem xét căn cứ vào khả năng bố trí vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ để thỏa thuận với khách hàng.

P.V: Bên cạnh việc tăng gấp đôi hạn mức cho vay thì thời hạn và điều kiện đảm bảo để được vay có gì thay đổi không, thưa ông?

Ông Lê Văn Hồng: Theo quy định mới, thời hạn vay vốn tối đa được nâng lên 120 tháng (mức cũ không quá 60 tháng). Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm. Về lãi suất, nếu trước đây chỉ bằng lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm thì nay được điều chỉnh nâng lên bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo (7,92%/năm). Riêng cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc người dân 
tộc thiểu số thì được áp dụng lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.

P.V: Ông có thể chia sẻ thêm về điều kiện vay vốn theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được quy định cụ thể như thế nào?

Ông Lê Văn Hồng: Điều này cũng đã quy định rất rõ. Đối với người lao động phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm, cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án. Còn cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được thành lập và hoạt động hợp pháp; có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định. Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án và có bảo đảm tiền vay theo quy định. Riêng với cơ sở sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số thì phải có danh sách, bản sao giấy xác nhận người lao động bị khuyết tật do UBND cấp xã cấp, bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của những người lao động dân tộc thiểu số, cùng bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng.

P.V: Với vai trò là đơn vị cung cấp nguồn vốn tín dụng này, Ngân hàng CSXH chi nhánh Thái Nguyên sẽ bố trí và tạo điều kiện vay vốn cho khách hàng ra sao, thưa ông?

Ông Lê Văn Hồng: Như tôi đề cập ở trên, nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn. Khi hạn mức vay và thời gian vay tối đa được tăng lên gấp đôi thì nhu cầu chắc chắn còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cái khó là nghị định đã ban hành nhưng việc đồng bộ nguồn lực chưa đáp ứng được đầy đủ. Tôi lấy ví dụ năm 2019 này, Trung ương giao cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Thái Nguyên cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 25 tỷ đồng, tuy nhiên thực hiện mới được 15 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh chuyển sang là 5 tỷ đồng). Thực tế từ khi triển khai tới nay chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn vay này, toàn bộ dư nợ hiện tại là khách hàng cá nhân. Chúng tôi đề nghị Trung ương và tỉnh tạo điều kiện, bố trí thêm nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để phục vụ khách hàng. Về phía ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khách hàng đăng ký, xét duyệt hồ sơ và giải ngân hết nếu còn vốn.

P.V: Xin cảm ơn ông! 

Nhị Hà
(thực hiện)