Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chia sẻ: NQ42 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đó là việc khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của TCTD và công ty mua bán tài sản của các TCTD (VAMC); cho phép mua bán nợ xấu và TSBĐ theo giá thị trường; cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến TSĐB; mở rộng đối tượng mua bán nợ xấu đối với VAMC; đưa ra được quy định về phương thức xử lý nợ xấu trong trường hợp TSBĐ là quyền sử dụng đất, bất động sản, bị kê biên; quy định rõ ràng thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB… Có thể nói, NQ42 đã tạo hành lang pháp lý trong xử lý nợ xấu, giúp các TCTD thuận lợi, dễ dàng hơn trong hoạt động.
Đối với các TCTD trên địa bàn tỉnh, NQ42 cũng đã có những tác động tích cực. Theo đó, lũy kế từ thời điểm 15/8/2017 đến 30/9/2019, tổng nợ xấu đã được xử lý là 709 tỷ đồng (trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 388 tỷ đồng, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng là 233 tỷ đồng và xử lý bán cho VAMC là 88 tỷ đồng). Nhìn chung, chất lượng tín dụng của các TCTD được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ xấu theo NQ42 tính đến cuối tháng 9-2019 là 1,89%, tương ứng với 949 tỷ đồng. So với thời điểm 15/8/2017, tỷ lệ nợ xấu giảm 0,24%. Theo ông Bùi Văn Khoa, kết quả thu hồi nợ xấu chủ yếu là từ khách hàng trả nợ. Điều này cho thấy việc phổ biến, tuyên truyền của cơ quan chức năng và ngành Ngân hàng về NQ42 đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc áp dụng các chính sách quy định tại NQ42 trong thu hồi, xử lý nợ xấu lại chưa nhiều; công tác xử lý TSBĐ thông qua tố tụng, cưỡng chế, thi hành án còn mất khá nhiều thời gian. Nhiều hồ sơ đã được gửi đơn kiện ra Toà án trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết. Nhiều vụ việc thi hành án còn tồn đọng. Hiện, toàn tỉnh có 172 hồ sơ khởi kiện với tổng số tiền trên 214 tỷ đồng; 80 vụ việc/hồ sơ đang thi hành án với tổng số tiền, tài sản phải thi hành án là gần 148 tỷ đồng (trong đó, đã thi hành xong gần 17,5 tỷ đồng, còn phải thi hành trên 130 tỷ đồng).
Cùng chung nhận định này, một giám đốc ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho rằng, NQ42 đã giúp ý thức của người đi vay cũng như trách nhiệm của chính quyền, cơ quan thực thi pháp luật được nâng cao hơn. Song, tình trạng chậm giải quyết, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra ở chính quyền một số địa phương và cơ quan chức năng. Đơn cử như việc mới đây, một khách hàng của chi nhánh vay tiền mua ô tô, sau đó, đã bán chiếc xe đó cho người khác, khiến khoản nợ này rơi vào nợ xấu. Khi ngân hàng trình báo sự việc, cơ quan chức năng lại xác định, chiếc xe được người này khai cho bạn mượn nên xác định đây là tranh chấp dân sự. Sự việc nhùng nhằng nhiều tháng qua mà không đưa ra được phương án giải quyết. Cũng có nhiều trường hợp, khi xảy ra nợ xấu, người vay không hợp tác với ngân hàng để xử lý, khiến việc xác nhận khó thực hiện. Trong khi Tòa án lại chưa mạnh dạn triển khai thực hiện thủ tục rút gọn theo NQ42 vì cho rằng chưa có "tiền lệ" và "sợ sai sót" trong quá trình xét xử. Vì thế, đến nay, chưa có vụ việc nào được xét xử theo thủ tục rút gọn…
Đây chỉ là một số trường hợp được cho là khá đơn giản trong rất nhiều trường hợp gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu, nhưng không được chính quyền và ngành chức năng vào cuộc trách nhiệm và triệt để, khiến việc xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng gặp nhiều khó khăn; không ít lãnh đạo ngân hàng cho rằng nhiều vụ việc, họ bị “bơ vơ”, vì không nhận được sự vào cuộc thực sự của ngành chức năng nên buộc phải xử lý theo cách riêng của họ.
Trước thực trạng này, ông Bùi Văn Khoa kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tạo điều kiện cho TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý TSBĐ, tạo điều kiện cho các TCTD được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án liên quan đến TSBĐ. UBND tỉnh có ý kiến với Cơ quan Thuế thực hiện ưu tiên để TCTD thu nợ trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tài sản xử lý. Đối với các bộ, ngành liên quan, ban hành và hướng dẫn cụ thể các thủ tục để TCTD có thể thực hiện kiểm kê tài sản, bàn giao tài sản cho người trúng giá trong trường hợp tài sản được xử lý theo phương thức đấu giá mà chủ tài sản không có mặt tại thời điểm tiến hành thu giữ... Có như vậy, việc xử lý nợ xấu của các TCTD mới mang lại hiệu quả thiết thực.