Cập nhật: Thứ bẩy 23/11/2019 - 09:12
Các cao niên trong làng chuẩn bị lễ cúng Tết cơm mới tại đình làng.
Các cao niên trong làng chuẩn bị lễ cúng Tết cơm mới tại đình làng.

Trong một năm, ở các vùng quê của Việt nam có nhiều ngày Tết lớn, nhỏ. Tết cơm mới là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống mà người dân làng Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình) vẫn được duy trì qua các thế hệ trong nhiều năm nay.

Tết cơm mới được tổ chức đúng vào ngày 23 tháng 10 (âm lịch) hằng năm. Đây là thời điểm bà con đã thu hoạch xong lúa mùa. Để chuẩn bị cho Tết cơm mới, vụ mùa mỗi gia đình đều cấy từ 1-2 sào lúa nếp cái hoa vàng. Đây là giống lúa được bảo tồn nhiều năm nay, hạt mẩy, có vị thơm đậm đà, gói bánh hoặc đồ xôi thơm, rẻo, rất ngon. Thường vào chiều 22-10 (âm lịch), nhiều nhà đã thịt lợn cho các hộ ăn đụng (nhà nhiều ăn cả 1 chân, nhà ít thì hai hộ đụng 1 chân). Những con gà trống mào đỏ, đẹp mã nhất sẽ được chọn để thịt thắp hương gia tiên. Nhà nào cũng gói bánh chưng, có nhà làm thêm cả bánh tẻ, bánh nẳng, bánh dầy. Cả gia đình tập trung làm để mâm cơm cúng thịnh soạn nhất. Các cụ cao niên trong làng mặc quần áo chỉnh tề ra đình làng để làm lễ dâng hương. 

Theo sử sách ghi lại, đình làng Thượng thờ 3 vị thần là Cao Sơn, Quý Minh và Thần Tam Giang. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê Hoàng Triều Vĩnh Khánh (năm 1729-1732). Đình làng Thượng hiện còn lưu giữ những cổ vật quý như: Nhà hậu cung có có 8 cột đá xanh, nhiều cổ vật quý khác là chuông đồng, khánh đồng, bia hậu, tượng hậu đá… Những năm kháng chiến chống Pháp, đình chùa làng Thượng còn là nơi đóng quân, sơ tán của một số đơn vị quân đội. Ngày 23/9/2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định công nhận đình, chùa làng Thượng, xã Bảo Lý là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong quá trình đô thị hóa hiện nay thì làng Thượng vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống bình dị, gần gũi trong văn hóa Việt Nam, mà điểm nhấn chính là ngôi đình làng. Chính vì thế đình làng là nơi diễn ra Lễ cơm mới hàng năm thu hút đông đảo người dân tham dự.

Nói về tục lệ tổ chức Tết cơm mới mà bà con dân làng duy trì qua nhiều thế hệ, ông Dương Văn Thi, năm nay đã ngoài 90 tuổi kể: Cơm mới còn gọi là Tết thường tân, diễn ra sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Theo truyền thống canh tác nông nghiệp xưa, một năm có hai vụ lúa chính là chiêm và mùa. Vụ chiêm thu hoạch vào tháng Năm, vụ mùa thu hoạch vào tháng Mười, đây là vụ quan trọng nhất trong năm. Vào dịp này, các gia đình nông dân sau khi gặt lúa về, phơi khô, xay xát, giã lấy gạo mới thổi cơm cúng trời, tổ tiên để tạ ơn trời đất cho mùa màng bộ thu, tổ tiên phù hộ con cháu sức khỏe, chăm chỉ làm ăn có thành quả mới. Đây cũng là bữa đầu tiên được ăn cơm mới, sau tháng giáp hạt khó khăn. Nhân Tết này, con cháu đã ra ở riêng thường mang gạo mới biếu ông bà, cha mẹ. Ở đình làng, dân chúng cũng làm lễ cúng Thành hoàng. Sau phần nghi lễ tại đình làng, cúng lễ gia thần, gia tiên, những vị thần thánh được thờ phụng, các gia đình tổ chức bữa cơm đại gia đình. Những người con xa quê những ngày này dù có bận công việc cũng cố gắng sắp xếp để về ăn Tết cơm mới cùng gia đình bù cho những ngày làm lụng vất vả. Buổi chiều tại khu sân đình làng, nhiều trò chơi dân gian, như: Chọi gà, kéo co, cờ tướng, các môn thi đấu thể thao đánh bóng chuyền hơi, cầu lông được tổ chức thu hút đông đảo người dân và khách thập phương.

Với những nghi thức độc đáo và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trong lễ cơm mới, người dân làng Thượng cầu cho dân làng bình yên, tổ tiên phù hộ cho gia đình con cháu sang năm canh tác mới mùa màng bội thu. Nghi lễ cơm mới là hoạt động cuối cùng của quá trình canh tác, là thời điểm các hộ gia đình thu hoạch thành quả của mình để chuẩn bị cho một năm canh tác mới, một mùa vụ mới.

Hằng Nga