Hiện nay, 20 bệnh viện công lập và các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đào tạo cán bộ để nâng cao chất lượng. Theo đó, có 140/180 trạm y tế xây dựng dãy nhà 2 tầng khang trang. Ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho biết: Tại các trạm y tế xã đã được trang bị nhiều trang thiết bị lớn, phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm nước tiểu, máy đo đường huyết. Cán bộ tại các cơ sở y tế tuyến xã cũng được đưa đi đào tạo để sử dụng thành thạo các trang thiết bị này một cách hiệu quả.
Có thể khẳng định, 10 năm trở lại đây, sự tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của ngành Y tế Thái Nguyên đã tạo thuận lợi để nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu khám chữa, bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao trong công tác khám, chữa bệnh, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước sẽ không đáp ứng được. Do đó, những năm qua, tỉnh đã chủ trương đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe để huy động thêm nhiều nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ y tế. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị y tế xã hội hóa (XHH) như liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhờ đó, nhiều cơ sở y tế đã đẩy mạnh công tác XHH theo những hình thức phù hợp, hiệu quả như: Liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức; huy động vốn XHH thông qua vay vốn ngân hàng, vốn đóng góp cá nhân…
Từ việc liên doanh, liên kết, nhiều cơ sở khám chữa bệnh công lập đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ, máy nội soi đường tiêu hóa, máy siêu âm 3D, 4D, máy tán sỏi laser… Theo nhận định của ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế thì thông qua công tác XHH đã giúp ngành Y tế phát triển thêm được nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh; tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao. Đơn cử như kỹ thuật ghép thận, can thiệp tim mạch, vi phẫu thuật, điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; hồi sức cấp cứu shock phản vệ, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp tại Bệnh viện Gang Thép; phát triển kỹ thuật ngoại khoa, chất thương tại Bệnh viện C; Hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện A Thái Nguyên… Kéo theo đó, đời sống của đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành Y cũng được cải thiện.
Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp, tích lũy trong quá trình hoạt động, các cơ sở y tế trong tỉnh đã có điều kiện tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo cán bộ. Đồng thời tự chủ về biên chế, tổ chức bộ máy nên đã có những chính sách riêng thu hút cán bộ có trình độ cao về công tác.
Công tác XHH y tế cùng chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh cũng đã khuyến khích các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm bớt quá tải cho y tế công lập. Đến nay, toàn tỉnh có 1.238 cơ sở kinh doanh thuốc hoạt động có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược còn hiệu lực; 528 cơ sở y tế ngoài công lập, trong đó có 4 bệnh viện; 12 phòng khám đa khoa; 411 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế; 101 phòng chẩn trị y, chuyên khoa y học cổ truyền. Trong số các cơ sở y tế ngoài công lập, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đang hoạt động khá hiệu quả. Với hơn 70 bác sĩ, trong đó hơn 70% có trình độ sau đại học, đây là bệnh viện ngoài công lập lớn nhất các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc với quy mô 200 giường bệnh và thực hiện được nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu. Đến nay, Bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy, máy chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm huyết học, sinh hóa, miễn dịch, vi sinh hoàn toàn tự động. Cùng với hệ thống các máy nội soi chẩn đoán và nội soi can thiệp, các máy chụp X-Quang kỹ thuật số, các máy siêu âm màu 3D-4D, máy điện tim, điện não, lưu huyết não…, Bệnh viện đã đầu tư hệ thống máy thở các loại, hệ thống Oxy, máy hút khí nén trung tâm đến từng phòng điều trị bệnh nhân. Trung bình mỗi năm, Bệnh viện khám, chữa bệnh cho trên 185 nghìn lượt người; điều trị nội trú cho gần 16 nghìn lượt người; thực hiện hơn 27 nghìn ca phẫu thuật, thủ thuật…
Có thể nói, nhờ triển khai tốt công tác XHH y tế mà các dịch vụ khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh được đa dạng hóa, chất lượng dịch vụ y tế tại các tuyến được nâng lên rõ rệt; góp phần không nhỏ vào thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.