Ghi nhận đến thời điểm này của năm 2019, 20/20 xã, thị trấn của huyện Phú Bình đã tổ chức ít nhất 2 hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân với tổng số gần 3.300 người tham dự. Riêng 2 xã là Nga My và Hà Châu đã tổ chức được 3 hội nghị đối thoại. Đã có 402/455 ý kiến của nhân dân tại các hội nghị đối thoại được các xã, thị trấn giải quyết; số còn lại đang tiếp tục chuyển các cơ quan liên quan để trả lời người dân.
Thực tế tại một số xã của huyện, chúng tôi nhận thấy cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất quan tâm đến việc giải quyết các ý kiến trực tiếp tại hội nghị cũng như chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc để sớm trả lời nhân dân. Đơn cử như xã Xuân Phương, ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại; chỉ đạo Ủy ban MTTQ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm để trả lời người dân. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Hà Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tại các hội nghị đối thoại, những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã như việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật trên địa bàn, các vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở…, chúng tôi đã trao đổi, đối thoại và đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục. Với những ý kiến mà nhân dân kiến nghị không thuộc thẩm quyền của xã, UBND xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện giải quyết. Đơn cử, người dân đề nghị bỏ quy hoạch Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phương Độ vì họ cho rằng, mặc dù có quy hoạch song không có sự đầu tư cho Làng nghề; trong khi đó, nhiều hộ muốn mở rộng quy mô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì vướng vào quy hoạch, không thực hiện được. Vấn đề như trên không thuộc thẩm quyền, xã đã tiếp thu, tổng hợp, báo cáo bằng văn bản gửi UBND huyện giải quyết.
Bác Trần Thị Bốn, xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương, cho biết: Tôi đi dự một số hội nghị và nhận thấy mục đích của cuộc đối thoại để Đảng ủy, chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến phản ánh chính đáng của nhân dân. Những gì còn tồn tại mà nhân dân chỉ ra, lãnh đạo xã tiếp thu và đề ra hướng giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát để những hội nghị sau đó những ý kiến phản ánh trước đây đã được giải quyết chưa? Như thế mới đảm bảo phát huy quyền làm chủ và vai trò giám sát của nhân dân.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Oanh, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy khẳng định: Việc tổ chức đối thoại với nhân dân, một mặt giúp cấp ủy, chính quyền nắm được những suy nghĩ, nhận thức của người dân đối với các quyết sách của địa phương; kịp thời giải quyết những bức xúc trong nhân dân, ngăn ngừa kịp thời những tư tưởng lệch lạc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, tiếp nhận sự phản hồi của nhân dân về tinh thần, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức để có sự điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, đối với các vụ việc bức xúc, nổi cộm hay các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, các chương trình, dự án lớn, trong công tác tuyên truyền, vận động đòi hỏi cán bộ làm công tác dân vận phải bám việc, bám dân, kiên trì thuyết phục, giải thích đến nơi, đến chốn mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giải quyết thấu tình đạt lý mọi kiến nghị chính đáng của người dân; quan tâm đến các gia đình chính sách, hộ có hoàn ảnh khó khăn...