Hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, những năm qua, T.P Thái Nguyên đã tăng cường nguồn lực đầu tư để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào CCTTHC. Đặc biệt, cuối năm 2017, Thành phố khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Theo đó công khai danh mục, quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với 158 TTHC trên các lĩnh vực, như: Tư pháp; nội vụ; giáo dục và đào tạo; công thương; quản lý đô thị… Người dân và các tổ chức có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày tại bất cứ nơi nào có nối mạng Internet. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho phép người sử dụng điền thông tin và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trực tuyến, việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp qua cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Tiện ích là vậy, nhưng trên thực tế, tỷ lệ người dân và DN trên địa bàn Thành phố sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của UBND T.P Thái Nguyên, từ ngày 1/1/2019 đến ngày 14/11/2019, trong tổng số hồ sơ được tiếp nhận và xử lý tại Bộ phận một cửa Thành phố có 11.006 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 chỉ có 1.655 hồ sơ (đạt trên 14%); không có hồ sơ nào được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Khảo sát tại Bộ phận một cửa các xã, phường trên địa bàn, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cũng hầu như chưa được thực hiện. Ông Phương Huy Quân, công chức tư pháp, hộ tịch xã Huống Thượng cho hay: Mặc dù được triển khai từ đầu năm 2018, nhưng cho đến nay không có một trường hợp nào giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến, mặc dù địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ này thông qua các hội nghị, hoặc tuyên truyền trực tiếp đến người dân. Không chỉ có xã thuần nông như Huống Thượng, ngay cả phường Phan Đình Phùng nằm ở trung tâm Thành phố, việc sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 để giải quyết hồ sơ, giấy tờ hầu như chưa được thực hiện. Chị Nguyễn Thị Thảo, công chức văn phòng thống kê của phường thông tin: Từ ngày triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (cuối năm 2017 đến nay), chưa có một trường hợp nào trên địa bàn đăng ký giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ trên.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, ngoài việc người dân và DN chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, họ còn có tâm lý e ngại, lo lắng bị thất lạc hồ sơ. Bên cạnh đó, đối với nhiều gia đình nông thôn việc mua sắm vi tính kết nối mạng Internet là thứ xa xỉ, chưa kể trình độ tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế. ông Lê Quang Hải, Tổ trưởng Tổ hợp tác Cựu chiến binh - Cựu quân nhân làm kinh tế giỏi, xã Cao Ngạn bộc bạch: “Nhiều năm làm Tổ trưởng Tổ hợp tác, hàng ngày cần giải quyết nhiều giấy tờ, văn bản liên quan phục vụ cho hoạt động Tổ hợp tác nhưng vì ngại thao tác trên vi tính, nhà lại gần trụ sở UBND xã nên có việc gì tôi đều lên Bộ phận một cửa của xã trực tiếp giải quyết”. Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở phường Phan Đình Phùng khi đi làm hồ sơ liên quan đến việc chia tách hộ khẩu chia sẻ: “Tôi không nắm được quy trình làm thủ tục hồ sơ trên hệ thống như thế nào và vào đâu để tra cứu, vậy nên tôi cứ đến Bộ phận một cửa của phường để giải quyết, nếu có vướng mắc gì thì hỏi ngay cán bộ thì yên tâm hơn”.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là xu hướng tất yếu giải quyết TTHC trong xã hội phát triển và mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân và DN. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo T.P Thái Nguyên cho rằng, để tạo ra thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thì cần phải có thời gian, lộ trình. Thời gian tới, T.P Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và DN hiểu hơn và áp dụng dịch vụ tiện ích này.