Thái Nguyên hiện có trên 70 nghìn người cao tuổi tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, tạo ra thu nhập. Trong đó, có trên 1.300 người được các cấp hội suy tôn là người cao tuổi làm kinh tế giỏi và hơn 400 người là chủ trang trại, giám đốc các doanh nghiệp tư nhân với số vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí là hàng chục tỷ đồng.
Điển hình về tấm gương người cao tuổi đi đầu trong phát triển kinh tế phải kể đến ông Phạm Ngọc Hải, sinh năm 1957, ở tổ 6, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên). Mạnh dạn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng kinh doanh cây cảnh, mỗi năm, ông Hải thu lãi 250 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 21 lao động. Điều đáng nói là hằng năm, ông luôn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ (khoảng 350 triệu đồng/năm); tích cực tham gia ủng hộ các loại quỹ từ thiện, quỹ xã hội với số tiền hằng trăm triệu đồng…
Cũng luôn có ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế như ông Hải, ông Triệu Xuân Áp, xóm La Đồng, xã La Hiên (Võ Nhai) đã tập trung trồng Na, nuôi ong lấy mật. Nhờ chăm chỉ làm lụng nên mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ông đã có điều kiện để kiến thiết lại nhà cửa, mua sắm thêm các vật dụng sinh hoạt phục vụ cho cuộc sống; giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình…
Còn bà Nguyễn Thị Thái, xã Lục Ba (Đại Từ) cũng là một tấm gương “tuổi cao trí càng cao”. Nhiều năm nay, bà luôn phát triển có hiệu quả cơ sở sản xuất, kinh doanh chè của gia đình. Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mỗi năm, doanh thu của gia đình bà đạt trên 1 tỷ đồng. Bà Thái luôn tâm niệm, để sống vui, khỏe, có ích, ngoài phát triển kinh tế gia đình, thì việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước là rất cần thiết. Do đó, bà tích cực hưởng ứng mọi phong trào ở địa phương như đóng góp tiền làm đường giao thông, từ thiện, giữ gìn an ninh trật tự…
Thực tế cho thấy, rất nhiều người cao tuổi trong tỉnh đang là trụ cột phát triển kinh tế gia đình. Theo ông Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, 5 năm qua, người cao tuổi không chỉ gương mẫu thực hiện các phong trào, hoạt động của địa phương, nhất là phát huy vai trò của mình trong giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu thương con người; đi đầu trong xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự… mà còn tích cực tham gia phong trào người cao tuổi “Nêu gương sáng góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”.
Thông qua hưởng ứng phong trào ý nghĩa này, người cao tuổi trên địa bàn không chỉ làm giàu cho gia đình, xã hội mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương với nguồn thu nhập ổn định. Trong đó, hiệu quả rõ nét nhất là thông qua phong trào, người cao tuổi đã có điều kiện để đóng góp tích cực vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (từ đầu năm đến nay, người cao tuổi đã đóng góp trên 700 triệu đồng và vận động con cháu, gia đình hiến khoảng 90 nghìn m2 đất để xây dựng nông thôn mới).
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp hội người cao tuổi trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua “Tuổi cao Gương sáng” với những nội dung thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Tuy nhiên, để người cao tuổi phát huy hết vai trò của mình trong đời sống, xã hội, nhất là trong phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, cùng với việc biểu dương, khen thưởng, các cấp ngành chức năng; các cấp hội trên địa bàn tỉnh nên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương người cao tuổi tiêu biểu; những mô hình kinh tế hiệu quả để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, khẳng định vai trò của người cao tuổi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.