Ông Nguyễn Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên bùi ngùi: Tháng 6 năm 1972, Đại đội TNXP 915 được thành lập, với 113 cán bộ, đội viên, trong đó tỉnh Bắc Kạn có 73 người, tỉnh Thái Nguyên có 40 người. Nhiệm vụ của Đại đội là bảo đảm giao thông cho các tuyến đường Lạng Sơn - Thái Nguyên, Lạng Sơn - Bắc Giang, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh và tham gia vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá. Với tinh thần "Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất", nên dù mới thành lập, đơn vị đã phải làm việc dưới sự tàn phá ác liệt của bom đạn, phải chịu nhiều tổn thất, thiệt hại về người và tài sản.
Lửa đạn thù tôi luyện nên bao trái tim trẻ trung đức kiên cường, bất khuất. Và như bao TNXP cùng thời trên cả nước, những cán bộ, đội viên Đại đội 915 luôn sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ bằng tinh thần xung phong, quả cảm, sẵn sàng vào nơi hiểm nguy nhất.
Bà Đồng Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Kạn rân rấn nước mắt: Đêm noel, các giáo đường ở nước Mỹ sáng ngời ánh nến, người dân được ăn bánh thánh, cầu yên vui, thì một vùng đất thép Thái Nguyên chớp sáng ánh lửa bom, tiếp đến là từng loạt bom nổ làm vỡ tung không gian. Những ngôi nhà sập xuống, đất dưới chân bị hất văng lên. 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915, TNXP Đội 91 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, riêng tỉnh Bắc Kạn có 41 người hy sinh tại chỗ. Đau đớn nhất là huyện Chợ Đồn mất 25 người con. Nhiều xã có 2 người hy sinh, như xã Phương Viên có liệt sĩ La Thị Tỏe, Lê Thị Thi; xã Nam Mẫu có liệt sĩ Phùng Thị Tấm, Nông Thị Tốt; xã Đại Xảo có 3 người ở Đại đội 915 là anh Nguyễn Văn Phùng, chị Tô Thị Giáp, chị Lưu Thị Tươi cùng vào Đại đội 1 ngày, nhưng sau ngày Chúa giáng sinh năm ấy, chỉ có anh Phùng trở về với đất mẹ Phương Viên.
Rồi như có phép nhiệm màu, giữa hoang tàn, đổ nát, khói bom khét đắng, đen đặc màu u uất còn có những con người om nhừ da thịt lặng lẽ trở về bên đồng đội. Cựu TNXP Lương Thị Hội, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ) là 1 trong số 7 người trong Đại đội thoát chết trong trận bom noel định mệnh ấy. Dù cuộc đời riêng nhiều bận rộn, mưu sinh chật vật, nhưng không bao giờ bà quên cái đêm có tiếng bom giội lộng óc, bê tông đổ ngổn ngang, mùi tử khí bao trùm khắp sân ga, tiếng đồng đội tìm gọi nhau vô vọng. Đêm hôm ấy, bà Hội và bà Liêu Thị Ly đã dìu nhau từ đống bê tông đổ nát trở về Linh Sơn, nơi đơn vị đóng quân để báo tin cho đồng đội. Bà Ly nói thủ thỉ: Tôi ở thôn Bản Cưa, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn. Tháng 6-1972, tôi đi TNXP, cùng xã đi TNXP năm ấy với tôi còn có chị Tô Thị Phùng, thôn Bản Cưa; chị Ma Thị Chảy, thôn Nà Tấc. 3 chị em được biên chế vào Đại đội 915. Chị Phùng kém tôi 2 tuổi, nhưng lanh lẹ, hoạt bát, được Ban Chỉ huy Đại đội giao nhiệm vụ làm Tiểu đội phó. Chị Phùng và chị Chảy đều có anh trai là liệt sĩ. Còn gia đình tôi có 6 anh, chị em, tôi là con thứ tư trong gia đình. Các anh, chị, em đều sớm xây dựng hạnh phúc riêng. Tôi thảnh thơi nhất nhà, nên xin phép bố mẹ được tham gia phục vụ kháng chiến. Tôi còn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Tiếng máy bay gầm rít trên đầu, tiếng bom thúc từ đất lên, đảo lộn tất cả, tôi ngất lịm. Nửa đêm tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện.
Từ huyện Chợ Đồn về thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, trong tôi văng vẳng lời thơ: “Tiếng bom rơi khỏa lấp tiếng con tàu/ Không ngăn nổi bước chân xông tới/ Các chị các anh lẫn vào đá sỏi/ Chuông nhà thờ đêm ấy nghẹn lời thương” (Thơ Dương Văn Mưu). Lời thơ nghẹn đắng lòng mà đường như gần lại, nhà cựu TNXP Bùi Thị Loan đã ở ngay trước mặt. Ký ức ùa về. Đêm hôm đó, chị Loan được đồng đội tìm thấy dưới đống gạch vụn trong trạng thái ngưng thở. Gạt nước mắt, đồng đội đưa chị về nghĩa trang Dốc Lim. Nhưng khi khâm niệm, phát hiện chị vẫn còn sống, đồng đội đã đưa chị vào bệnh viện cấp cứu, sau đó chị lại tiếp tục làm tròn trách nhiệm của một chiến sĩ TNXP cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Bà Loan nở nụ cười tươi tắn như bông mai trên dải núi Noóng Củng, Pú Cà, Pú Chúa, rồi thả câu chuyện mộc mạc, hồn nhiên chảy dài như dòng nước Khau Cum quê mình: Năm 17 tuổi tôi đi TNXP, vũ khí trong tay là cuốc, xà beng, xẻng làm đường và đôi vai vác hàng hoá. Cứ có lệnh là đi, vì “quỷ thần” chê, chưa muốn nhận làm đệ tử, nên tôi tiếp tục được sống làm người.
Trong số những người bị bom vùi không chết ở Đại đội TNXP 915, còn có cựu TNXP Hoàng Văn Thắng, thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn. Ông Thắng được đồng đội tìm thấy trong đống gạch vỡ ngổn ngang. Được cứu sống, nhưng sau này về đời thường, không bao giờ ông nguôi quên. Vết thương trên da thịt đã lành, song vết thương lòng thì còn đấy, nhắc nhớ một niềm đau. Bị mất 1 mắt, sức khỏe bị ảnh hưởng do sức ép bom đạn, nên khi về đời thường, ông Thắng sống ngơ ngác, đến cả cơm gạo cũng nhờ cậy vào người em ruột của mình là ông Hoàng Văn Thăng chu cấp. Trong căn nhà nhỏ, tôi thấy sợi dây thừng buộc ngang, ném lên đó là mấy bộ quần áo cũ. Căn nhà trống rỗng, tài sản dường như chẳng có gì, nhiều người đến thăm, hỏi:
- Ông có cần hỗ trợ, giúp đỡ gì để cuộc sống ổn định hơn?
- Tôi có là gì đâu. Nhiều đồng đội tôi phải nằm lại nghĩa trang Dốc Lim, pò, mè họ thiệt thòi nhiều lắm, hãy quan tâm đến cuộc sống của các thân nhân liệt sĩ. - Ông nói chân chất.
Không đòi hỏi cho riêng mình, một nghĩa cử cao đẹp đáng được người đời chân quý. Đó là đức tính đáng quý của những cựu TNXP Đại đội 915 Anh hùng và những người thuộc thế hệ cha anh từng dấn thân nơi lửa đạn chiến tranh, cùng cả dân tộc làm nên một Việt Nam thống nhất mới có được. Tôi nghĩ như thế khi viết về đội ngũ cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915 Anh hùng - Những người đã làm lên bản hùng ca đất thép.