Xã Phúc Thuận có 28 xóm, với hơn 3.500 hộ, gần 15.000 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 34,6%. Ít năm trước đây, Phúc Thuận được nhắc đến là xã nghèo, giao thông khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn. Nhưng Phúc Thuận hôm nay đã… lột xác, đường được trải nhựa hoặc bê tông về đến từng ngõ nhỏ. Các khu đồng chủ động nước tưới nhờ có hệ thống thủy lợi được xây dựng chắc chắn; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%; 100% xóm đã xây dựng được nhà văn hoá, trung tâm thể thao làm nơi cho nhân dân hội họp, tập luyện thể dục, thể thao.
Ông Đỗ Công Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã tâm đắc: Do địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường; nhanh chóng xóa bỏ tư duy tự cung, tự cấp; tập trung xây dựng thành vùng hàng hoá để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Những khó khăn của nông dân, như: Vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra cho sản phẩm được xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và một số doanh nghiệp cùng giải quyết thấu đáo. Chính vì thế mà từ từng hộ dân đã có sự cố gắng nỗ lực vươn lên. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Ký, xóm Phúc Tài. Hiện, ông Ký là chủ của 10ha rừng và thường xuyên nuôi hơn 200 đàn ong mật. Ông Ký cho biết: Mỗi năm, đàn ong của tôi cho 1.600 lít mật, bán được hơn 240 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn làm đại lý bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi ong khác trong vùng, trung bình thu mua và bán giao được 10.000 lít mật ong/năm.
Ông Nguyễn Văn Ký, xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) trao đổi kinh nghiệm nuôi ong với bà con trong vùng.
Nhìn những quả đồi được phủ xanh cây rừng, thấy thấp thoáng từng đàn ong hăm hở tìm mật. Tôi biết ở Phúc Thuận có hàng chục hộ nhờ trồng rừng, nuôi ong mà thoát nghèo như gia đình ông Ký. Và hiện ông Ký là 1 trong gần 60 hộ mua được ô tô, máy xúc làm dịch vụ. Dọc bên trục đường chính của xã còn có 5 xưởng sửa chữa ô tô, 8 cơ sở sản xuất cơ khí, 3 cơ sở phay gỗ nguyên liệu… Ông Lê Vĩnh Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Phúc Thuận ngoài hơn 600ha đất cấy lúa cả năm, còn có một số ít diện tích đất trồng ngô, màu, sản lượng lương thực cây có hạt đạt gần 4.000 tấn/năm, đủ đáp ứng lương thực tại chỗ. Để giải quyết bài toán kinh tế, Phúc Thuận hướng dân lên đồi trồng rừng, trồng chè và trồng cây ăn quả.
Sau nhiều năm vận động nông dân lên đồi trồng cây, gây rừng làm giau, những vườn cây tạp, hiệu quả kinh tế thấp được phá bỏ, trồng thay thế bằng cây chè và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn so với cây vườn tạp. Hiện, nông dân trong xã đã trồng được hơn 650ha chè, trong đó có hơn 300ha chè cành giống mới như: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên…. Sản lượng chè búp khô đạt gần 1.500 tấn, với giá bán bình quân 200.000 đồng/kg, mỗi năm cây chè mang lại cho người dân xã Phúc Thuận số tiền 300 tỷ đồng.
Chuyện làm chè, ông Nguyễn Huy Sơn, Bí thư Chi bộ xóm Tân Ấp 1 cho biết: Xóm có hơn 50 hộ làm chè, với tổng diện tích 30ha, hầu hết bà con làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng chè búp khô đạt trung bình 100 tấn/năm. Một số hộ trong xóm đầu tư vốn mở xưởng sản xuất, mua máy chế biến chè và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong vùng. Từ gần 10 năm nay, bà con đã chuyển đất soi bãi, đất chân ruộng cao, không thuận nước sang trồng chè. Như hộ ông Nguyễn Trọng Phúc, trồng hơn 3.000m2 chè từ năm 2017, đến nay nhà ông Phúc đã được thu hái vụ đầu. Cùng xóm, gia đình bà Vũ Thị Nga trồng được hơn 7.000m chè, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng.
Về xóm Hồng Cóc, gặp một số hộ có kinh nghiệm làm chè là gia đình bà Liễu Thị Ba, Nguyễn Thị Châm và Lý Thị Huệ. Bà Ba, bà Châm, bà Huệ cho biết: Nhờ làm chè, cuộc sống của người dân Sán Dìu chúng tôi mới hết khó khăn. Cũng nhờ chè, các hộ dân của xóm mới có tiền đóng góp mua đất, xây Nhà văn hoá làm nơi hội họp và tự nguyện đóng góp tiền cùng nhau làm đoạn đường ngầm bê tông dài khoảng 50 mét qua xóm, nhờ thế việc đi lại của người dân được trở nên thuận lợi hơn.
Với tư duy xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nên ở Phúc Thuận các vùng chè, vùng cây ăn quả được thiết kế thành từng khu, bãi liền khoảnh. Cách làm này thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm và từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu. Đặc biệt như cây ăn quả, Phúc Thuận đã định hình được vùng chuyên canh, với hơn 400ha cây ăn quả trồng tập trung, chủ yếu là nhãn lồng, cam, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ và chuối tiêu hồng… Mỗi năm, cây ăn quả các loại mang lại cho nông dân xã Phúc Thuận trên 100 tỷ đồng, riêng nhãn lồng bình quân đạt 3.500 tấn/ vụ, mang lại thu nhập cho người dân khoảng 70 tỷ đồng.
Nhìn từng đồi chuối tiêu hồng đang lặng lẽ tích nhựa lên buồng; từng vườn bưởi chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán năm 2020, tôi chợt thở phào nhẹ nhõm vì nhận ra vùng đất Phúc Thuận đang đổi thay từng ngày. Sự đổi thay được bắt đầu bằng việc chính quyền địa phương vào cuộc, có chủ trương đúng. Trực tiếp là những người nông dân đã làm chủ được khoa học kỹ thuật, và có sự thay đổi tư duy, nhận thức, sản xuất theo hướng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường.