Cập nhật: Thứ tư 08/01/2020 - 09:31
Biển báo mô hình rừng do cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ được đặt tại khu dân cư của xóm Tân Thái, xã Linh Thông.
Biển báo mô hình rừng do cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ được đặt tại khu dân cư của xóm Tân Thái, xã Linh Thông.

Cà Pụt là địa danh nằm tận cùng phía Bắc của xã Linh Thông (Định Hóa), giáp ranh với xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) và được quy hoạch là khu vực rừng phòng hộ cần được bảo vệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân địa phương phản ánh có tình trạng khai thác, tận thu lâm sản tại khu rừng đã được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.

Khu vực rừng Cà Pụt thuộc địa bàn xóm Tân Thái của xã Linh Thông. Từ năm 1998, UBND huyện Định Hóa đã giao khoán cho các hộ của xóm quản lý và bảo vệ, tổng diện tích hơn 87ha. ông Nguyễn Văn Nhã, Trưởng xóm Tân Thái kể: Khoảng năm 2004, khi có hiện tượng một số người ở nơi khác tới tự ý chặt hạ cây cối, các gia đình không thể tự giữ rừng được nên xóm đã họp và thống nhất giao tập thể cùng bảo vệ rừng. Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng của xóm Tân Thái nêu rõ: “Không được chăn thả gia súc trong khu vực rừng được giao dưới bất kỳ hình thức nào; nghiêm cấm các hành vi tự ý khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản từ diện tích rừng núi đá được giao; chỉ được khai thác phần lâm sản theo phương án cấp thẩm quyền đã phê duyệt; chỉ được lấy củi khô tự nhiên sử dụng trong gia đình theo lịch và khối lượng theo quy định của tổ…”

Từ khi có quy ước, xóm thành lập các nhóm thường xuyên đi tuần tra thì rừng ở Cà Pụt đã được bảo vệ tốt hơn. Ông Ma Đức Huân, thành viên tổ quản lý rừng Tân Thái cho biết: Xóm hiện có 37 hộ, mỗi hộ có một đại diện là thành viên của tổ. Định kỳ mỗi tuần sẽ có 1 nhóm từ 3-5 người đi tuần tra rừng. Tiền khoán trông coi bảo vệ rừng cho cả khu vực Cà Pụt là hơn 34 triệu đồng/năm. Xóm quy định một buổi đi tuần sẽ trả thù lao 50 nghìn đồng/người để động viên, phần còn lại nhập vào qũy chung để thực hiện các phần việc tập thể.

Cách làm ở Tân Thái được coi là một trong những hình mẫu về quản lý và bảo vệ rừng ở Định Hóa. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2017, có hiện tượng người dân từ nơi khác đến khai thác lâm sản, chủ yếu là nứa để mang bán. Đưa chúng tôi đi thực tế khu rừng được tập thể xóm nhận quản lý, ông Nguyễn Văn Nhã nói: Phần diện tích ở dưới chân núi, giáp khu dân cư có người thường xuyên qua lại thì được bảo vệ rất tốt. Có những cây to đến một vòng tay người ôm không hết. Ngược lại, phần ở trên đỉnh tiếp giáp với đất Chợ Đồn giờ chỉ còn là rừng nghèo. Cây bụi và giang, nứa cũng bị khai thác tận thu. Việc quản lý rất khó vì nếu đi bộ từ xóm Tân Thái phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tới đỉnh. Người dân các xóm Nà Chú, Tân Trào, Bản Noóng (cùng thuộc xã Linh Thông) sử dụng con đường độc đạo duy nhất từ phía xóm Nà Chú đi lên để khai thác. Men theo chân núi Cà Pụt, tắt ngang từ Tân Thái sang Nà Chú, ông Nhã chỉ cho chúng thôi thấy con đường được mở bằng máy xúc cách đây vài năm. Theo ông Nhã, người chắc tay có thể điều khiển xe đầu dọc lên tới tận đỉnh để chở lâm sản xuống.

Cuối năm 2017, Tổ quản lý và bảo vệ rừng Tân Thái phát hiện tình trạng khai thác trộm nứa và gỗ tạp. Các thành viên đã lập biên bản tạm thu số lâm sản. Những người tại đó thừa nhận có khai thác lâm sản nhưng không chịu ký vào biên bản. Tình hình tạm lắng trong năm 2018 nhưng khai thác lại rộ lên trong năm 2019. Ông Hoàng Đình Khóa, phó xóm kiêm công an viên xóm Tân Thái thông tin: Nhiều lần chúng tôi lên kiểm tra, thấy họ dựng cả lán tạm, tập kết lâm sản nhưng người thì đã tản mát đi nơi khác. Gần đây nhất, thành viên của tổ phát hiện và bắt quả tang một nhóm khai thác khá nhiều nứa trên rừng. Chúng tôi quay video lại nhưng không có quyền tạm giữ hay xử phạt. Khi báo với lực lượng kiểm lâm khu vực thì chỉ thu giữ được 2 xe đầu ngang chở nứa xuống chân núi.

Thừa nhận có tình trạng khai thác lâm sản khu vực Cà Pụt, ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Linh Thông cho biết: Dựa vào video clip mà tổ quản lý và bảo vệ rừng Tân Thái cung cấp, xã đã mời những người có liên quan đến trụ sở UBND xã quán triệt nhắc nhở, trong số này có cả đảng viên. Ông Thành cho rằng, trách nhiệm giữ rừng trước hết thuộc về chủ rừng, nghĩa là tập thể hộ dân được giao khoán và việc cắm mốc, phân định ranh giới giữa Định Hóa và Chợ Đồn tại khu vực Cà Pụt chưa rõ ràng nên khó khăn cho việc quản lý. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban quản lý rừng ATK Định Hóa thông tin thêm: Trường hợp 2 xe bị thu giữ cuối tháng 9-2019, Ban đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính mỗi xe 7,5 triệu đồng. Với khu vực rừng Cà Pụt, hiện có sự không thống nhất giữa địa giới hành chính và bản đồ quy hoạch các loại rừng. Rất có thể khu vực có hiện tượng khai thác lâm sản lại thuộc địa phận đất tự nhiên của huyện Chợ Đồn. 

Tập thể xóm Tân Thái đã nhiều lần kiến nghị và khẳng định việc khai thác, tận thu nứa và gỗ tạp ở Cà Pụt thuộc địa phận được chính quyền giao tập thể xóm quản lý, đã có cắm mốc và là đất rừng phòng hộ. Trong khi chính quyền xã và cơ quan chuyên môn lại chưa khẳng định được địa giới khu vực đã giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Điều băn khoăn, trăn trở là trong thời gian người dân chờ xác minh, phân định lại cho rõ ràng thì rất có thể việc khai thác, tận thu lâm sản ở Cà Pụt sẽ lại tiếp diễn. Giờ là nứa và cây tạp, biết đâu sắp tới là gỗ lớn và các lâm sản quý hơn mà không thể giữ được.

Nhị Hà