Cập nhật: Thứ bẩy 11/01/2020 - 08:54
Người dân Sơn Phú (Định Hóa) đưa máy móc vào phục vụ sản xuất chè.
Người dân Sơn Phú (Định Hóa) đưa máy móc vào phục vụ sản xuất chè.

Định Hóa đang là địa phương có diện tích chè lớn thứ 4 của tỉnh với hơn 2.500ha. Hiện, giá trị thu được từ 1ha chè của huyện đã đạt ngưỡng 115 triệu đồng, tăng 45 triệu đồng/ha so với năm 2011… Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương do chất lượng sản phẩm chè búp khô chưa được người tiêu dùng đánh giá cao.

Xuất phát từ thực tế đó, bắt đầu từ năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai dự án Liên kết sản xuất chè xanh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Định Hóa. Ông Lê Cẩm Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Với mục tiêu xây dựng được mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, bảo quản chè xanh an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi sẽ thực hiện dự án trong 3 năm, từ năm 2019 đến năm 2021. Dự án triển khai tại các xã: Sơn Phú (25 ha/năm); Phú Đình (20 ha/ năm); Thanh Định (5ha/năm). 

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn các xã trên thực hiện Dự án là do đây là những vùng chè có quy mô khá lớn của huyện. Hơn nữa, người dân ở các xã này đã gắn bó với cây chè hơn nửa thế kỷ nên có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến chè, cũng như có thể đáp ứng được những yêu cầu mà dự án đưa ra. Năm 2019 (năm đầu tiên triển khai), Trung tâm đã thực hiện dự án mang tên: Sản xuất chè xanh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn Định Hóa với 219 hộ dân tham gia. Theo đó, Dự án đã xây dựng được 3 mô hình sản xuất chè xanh an toàn tại Sơn Phú, Phú Đình, Thanh Định. 

Để giúp người dân tham gia và các hộ có nhu cầu nằm ngoài vùng Dự án nắm được kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn, Trung tâm đã tổ chức được 7 lớp tập huấn cho 350 hộ dân tham gia. Các hộ dân đều nhận định, thông qua tập huấn, bà con đã nắm được kỹ thuật canh tác chè an toàn; biết cách sử dụng phân bón đúng liều lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách) để sản xuất ra sản phẩm chè an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Cẩm Long, thành công sau một thời gian ngắn triển khai, ngoài việc giúp người dân nắm bắt được quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn thì Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân vùng “chiến khu xưa” về sản xuất sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cây chè; biết tổ chức sản xuất theo liên kết để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng. Không dừng lại ở đó, Dự án còn giúp người dân nắm bắt được quy trình thu hoạch và xử lý sau thu hoạch chè… Đặc biệt, bà con rất phấn khởi khi tham gia mô hình, họ còn được Nhà nước hỗ trợ 70% phân bón vô cơ (Đạm ure, Lân Super và Kaliclorua) và phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học. Đồng thời, lắp đặt biển báo vùng cho 3 mô hình tại xóm Sơn Thắng, xã Sơn Phú; xóm Đồng Tấm, xã Phú Đình; xóm Nà Họ, xã Thanh Định để mọi người tin tưởng vào sản phẩm chè mà người dân vùng Dự án làm ra.

Có thể thấy, ngay từ năm đầu tiên thực hiện Dự án (năm 2019), Trung tâm đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Đây sẽ là tiền đề để Dự án tiếp tục được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Theo thuyết minh Dự án đã được phê duyệt, trong năm 2020, Dự án tiếp tục hỗ trợ các mô hình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước chuyên môn hóa trong từng khâu của chuỗi, đảm bảo cân đối giữa cung và cầu. Đặc biệt là ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như mục tiêu của đề án đã đặt ra. Đồng thời, tăng cường giúp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân trong kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, hợp đồng liên kết…

Tùng Lâm